Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực tiến bộ những năm đầu thế kỷ 20. Mảng truyện ngắn trào phúng là sở trường trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Là nhà văn am hiểu sâu sắc xã hội phong kiến, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa nổi bật tính cách những viên quan lại chuyên ăn hối lộ, đục khoét, ăn bẩn... Một trong những viên quan mà ông miêu tả là huyện Hinh trong truyện ngắn Đồng hào có ma (năm 1937).
Theo nhiều nhà phê bình văn học, nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là nhân vật của sân khấu hài kịch. Để làm nổi bật tính chất hài hước, ông sử dụng triệt để và tài tình biện pháp phóng đại.
Trong truyện ngắn, diện mạo của huyện Hinh được mô tả bằng đoạn văn:
Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá như có thằng dân nào vô ý buột mồm nói ra một câu sáo rỗng nhờ bóng quan lớn là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông... Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá đến râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Và trên cái bộ mặt béo đến quái thai ấy là hai hàng lông tơ đứng ở hai bên miệng ông, nó hình thành hai cái dấu chua nghĩa.
Nguyễn Công Hoan đã công thức hóa khi khắc họa diện mạo, hình thức của quan lại tham lam, thích ăn bẩn khi đó, là béo đến dị hình dị dạng. Song cái tài của ông chính là ở chỗ kết hợp biện pháp phóng đại với lối so sánh độc đáo tạo nên được những nét rất riêng, gây buồn cười trong từng nhân vật.