Nhà giáo Phạm Toàn qua đời 6h40 sáng nay tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. Lễ viếng và truy điệu ông diễn ra sáng 28/6 tại nhà tang lễ Cầu Giấy, lễ an táng tại quê nhà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Sinh năm 1932 tại Hà Nội, ông Phạm Toàn nhập ngũ đúng ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Năm 1951, ông được cử đi học cao đẳng sư phạm, một năm sau được giải thưởng văn xuôi của trường với bút danh Châu Diên.
Ông đã in hai tập truyện ngắn Mái nhà ấm (1959) và Con nhện vàng (1962), được nhiều giải thưởng văn học. Ông còn là dịch giả chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới sang tiếng Việt như: Nền dân trị Mỹ, Chín mươi ba, Nhà tiên tri, Con trai của người...
Từ năm 1967 đến khi qua đời, ông dồn toàn bộ thời gian, tâm sức nghiên cứu giáo dục tiểu học, cho ra đời nhiều chương trình sách giáo khoa thực nghiệm bằng phương pháp mới và hàng trăm bài báo cổ vũ cải cách giáo dục.
Năm 2009, nhà giáo Phạm Toàn sáng lập nhóm Cánh Buồm, tập hợp các nhà giáo dục, nghiên cứu để biên soạn và cho ra đời bộ sách giáo khoa phổ thông mới. Chương trình này hướng đến phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của học sinh, với phương châm "Làm mà học, làm thì học".
Khoảng 100.000 bản sách giáo khoa Cánh Buồm đã được xuất bản bằng nguồn xã hội hóa. Phương pháp học của nhóm được ứng dụng tại một số trường học ở Hà Nội và TP HCM. Từ tháng 10/2016, Cánh Buồm xuất bản miễn phí các bộ sách giáo khoa trên Internet để phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Bên cạnh sách giáo khoa, nhóm Cánh Buồm còn biên soạn sách bài tập, cẩm nang sư phạm, dịch nhiều tác phẩm tâm lý học giáo dục trong Tủ sách lý học giáo dục Cánh Buồm.
Năm 2013, nhà giáo Phạm Toàn cùng giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học Vũ Hà Văn lập website giáo dục Học thế nào để đưa ra những đóng góp với nền giáo dục Việt Nam.