Chiều 31/8, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, trước một số câu hỏi về hiệu quả của mô hình trường học mới (VNEN), ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết dự án thí điểm mô hình VNEN tại 73 trường thuộc tỉnh đã kết thúc ngày 31/5.
Sau 4 năm thực hiện, ông Vinh đánh giá mô hình này phù hợp với nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trên cơ sở phát triển kiến thức kỹ năng; phù hợp với đề án đổi mới sách giáo khoa mà Thủ tướng đã phê duyệt...
Khẳng định mô hình VNEN đã được tập huấn rất kỹ càng cho giáo viên, lãnh đạo trường tại những nơi thí điểm, ông Vinh cho rằng nhờ đó tay nghề giáo viên được nâng cấp nhanh, vững vàng. "Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cho thấy những giáo viên dạy mô hình VNEN có tay nghề rất cao", ông Vinh khẳng định.
Với học sinh những trường được học tập theo mô hình VNEN, các cháu "nhanh nhẹn, tự chủ, linh động, sáng tạo hơn và mạnh dạn trong kỹ năng giao tiếp...".
"Đây là đánh giá của trung tâm kiểm định độc lập chứ không riêng gì nhà trường hay phòng hay sở đánh giá", Phó giám đốc Sở nói và thông tin qua 4 năm thực hiện rất nhiều trường đã vượt trội để đạt trường chuẩn quốc gia, trường tốp đầu trên địa bàn. Vì vậy, năm học sắp tới Sở sẽ nhân rộng những cái hay - cái tốt từ mô hình này cho tất cả trường trong toàn tỉnh thực hiện.
Bên cạnh những "thành tựu" đạt được, ông Thái Huy Vinh cũng thừa nhận mô hình VNEN bộc lộ một số nhược điểm, như: cách tổ chức lớp học bị rập khuôn lúc nào cũng chia nhóm; học sinh lúc nào cũng trong trạng thái tự học...
Chỉ ra cách khắc phục hạn chế này, Phó giám đốc Sở cho rằng, việc học sinh tự học trên thực tế là rất khó. Vì vậy giáo viên phải kết hợp nâng đỡ cho các em một cách phù hợp nhất.
Một tuần trước, hàng chục phụ huynh tại trường tiểu học Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, thành phố Vinh đồng loạt kéo tới trường phản đối mô hình VNEN vì cho rằng bất cập, không mang lại hiệu quả. Theo họ, mô hình này chỉ phù hợp với số ít các cháu có năng lực sẵn, còn phần đa có lực học kém. Họ muốn con em mình được học theo phương pháp truyền thống.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Theo chương trình VNEN, học sinh đóng vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Mô hình áp dụng tại Việt Nam có cải biên so với nguyên gốc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên đều "than" gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của đại đa số học sinh. |
Hải Bình