Theo Cổng thông tin quận Gò Vấp, vùng đất này được khai phá từ những ngày đầu khi lưu dân Việt đi mở đất từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17.
Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn kinh lý miền Nam, xác lập chủ quyền cương thổ của Việt Nam ở vùng đất mới thì đất Gò Vấp đã có tên trong sổ bộ, thôn, xã thuộc huyện Tân Bình - phủ Gia Định.
Theo sử liệu cũ, nguồn gốc của danh gọi Gò Vấp là do ở nơi gò cao này có một rừng cây vắp bao phủ (cây này trong tiếng Chăm là Krai, hiện có trong Thảo Cầm Viên).
Đất gò có một rừng vắp, người xưa ghép nối lại thành Gò Vắp, lâu ngày truyền tụng nói trại đi thành Gò Vấp.

Chợ Gò Vấp xưa. Ảnh: Flickr.
Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì vào triều Gia Long năm 1818, vùng đất mang tên Gò Vấp khá rộng lớn, nằm trong địa phận các tổng Bình Trị và Dương Hòa thuộc huyện Bình Dương.
Năm 1836, khi nhà Nguyễn đạc điền và lập bạ cho toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ thì vùng đất Gò Vấp thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Sách Hỏi đáp Sài Gòn - TP HCM cũng có cách lý giải tương tự khi cho biết, nơi này vốn là vùng đất cao có nhiều cây vắp, thuộc họ măng cụt, thân cứng như lim. Trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh có câu:
Cứng cỏi bấy thứ đàn bà xứ Gò Vắp,
Thanh tao thay ông hòa thượng chùa Cây Mai.
Câu 5: Địa danh nào ở Sài Gòn được nhiều học giả giải thích là bến cho trâu, bò ra tắm?