Trong cuộc họp báo ngày 7/8 về việc học sinh lớp 1 trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) chết sau khi bị bỏ quên trên ôtô đưa đón, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, khẳng định không có quy định pháp luật nào về trường quốc tế.
"Có lẽ một số nhóm trường ngoài công lập có thể thêm chữ quốc tế vào nhằm quảng cáo thu hút học sinh", ông Ngọc Anh nói và cho biết địa bàn quận chỉ có trường có yếu tố nước ngoài như vốn, người nước ngoài, chứ không có trường nào tên là "trường quốc tế".
Thế nhưng khảo sát trên địa bàn quận Cầu Giấy cho thấy, nhiều trường ngoài công lập xưng danh "quốc tế".
Trường Quốc tế Global nổi bật giữa khu đô thị Yên Hòa với dòng chữ lớn trên nóc tòa nhà chính và biển hiệu ở cổng.
Trường Alaska (số 25 đường Thọ Tháp, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) vài ngày trước đã dỡ biển tên Trường tiểu học quốc tế Alaska trên cổng trường và đặt ở chân tòa nhà. Website của trường không thể truy cập mà điều hướng qua trang Facebook với tên gọi Trường Tiểu học quốc tế Alaska.
Tuy nhiên, trong danh sách 11 trường tiểu học ngoài công lập được công bố trên website của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, tên chính thức hai trường này lại là Tiểu học Global và Tiểu học Alaska.
Gateway - ngôi trường được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy - khẳng định là không phải "quốc tế" và tên trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế" cũng loạn danh xưng với ba cách gọi.
Sau cuộc họp báo ngày 7/8, trường này đã thay đổi tên trên trang chủ website, từ Trường PTLC (Phổ thông liên cấp) quốc tế Gateway thành Tiểu học&THCS Gateway. Tuy nhiên, logo tên tiếng Anh Gateway International School không đổi và nhiều bài viết trên website vẫn để Trường PTLC quốc tế Gateway.
Nội dung về chương trình học và tuyển sinh trên website không còn tồn tại. Ở cuối trang, phần nhận thông tin về trường Gateway, nhà trường lại dùng danh xưng Phổ thông liên cấp Gateway.
Cơ sở trường tiểu học Gateway ở phường Mây Tơ, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) ngày 7/8 cũng đã dỡ hết bảng tên ở cổng. Trường liên cấp đang được xây dựng ở phường Anh Dũng 2, quận Dương Kính, cũng khóa hoặc đổi tên trong thông tin quảng bá trên mạng xã hội và website.
Ngoài khu vực quận Cầu Giấy, hệ thống trường Newton Grammar School (Khu đô thị mới Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm) cũng tồn tại nhiều danh xưng. Trên tòa nhà chính của trường, biển tên đề là Newton Grammar School. Trước cổng có biển hiệu lớn ghi Hệ thống Trường chuẩn quốc gia - Trường Tiểu học I-sac Newton/Trường THCS-THPT Newton/Trường Tiểu học-THCS Pascal.
Trên các pano quảng cáo treo khắp tường bao xung quanh, trường lại xưng danh là Phổ thông quốc tế Newton. Xe đưa đón học sinh dán logo dùng tên này, nhưng mấy hôm nay chữ "liên cấp" được dán đè lên chữ "quốc tế", thành Trường Phổ thông liên cấp Newton. Trên website của trường, hai kiểu tên xuất hiện cùng lúc.
Với trường Pascal, mọi thông tin quanh trường đều thống nhất là Trường Tiểu học-THCS Pascal, nhưng xe đưa đón lại ghi Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Pascal.
Việc các trường sử dụng nhiều danh xưng khiến phụ huynh hoang mang. Tìm hiểu thông tin về các trường tiểu học dạy chương trình quốc tế cho con gái vào năm sau, chị Nguyễn Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bối rối khi thấy có trường tới 2-3 tên gọi.
"Hỏi nhiều phụ huynh về một trường ở Bắc Từ Liêm, có người nói là trường quốc tế, người khác lại bảo không phải. Xem thông tin trên website thì thấy chương trình học là quốc tế, giảng dạy cũng là người nước ngoài", chị Mai nói.
Sau vụ việc ở trường Gateway, biết ở Việt Nam không có khái niệm trường quốc tế trong luật, chị Mai cảm giác như bị lừa trước những quảng cáo "bắt mắt" của các trường. Chị mong muốn cơ quan quản lý có quy định, chế tài để các trường treo biển tên, quảng cáo đúng với tên trong quyết định thành lập.
Trước việc loạn danh xưng trường quốc tế, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho rằng các trường thêm chữ "quốc tế" trong tên là mạo danh nhằm thu hút học sinh và sai quy định.
"Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố danh sách trường có thể được gọi là quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết, từ đó có cơ sở lựa chọn. Với những trường sai phạm, Sở sẽ kiểm tra, yêu cầu các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm cho phụ huynh và học sinh, đồng thời xử lý đúng quy định", ông Quang nói.
Điều 47 Luật giáo dục 2019 quy định trong hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ có 3 loại hình trường học sau đây:
a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.
c) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Theo Điều 29 Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, tên của trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.
Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.
Dương Tâm - Giang Chinh