Trên khắp Trung Quốc, các trường đại học dựng lều và chuẩn bị những chỗ ở tạm cho phụ huynh ngủ qua đêm khi đưa con đi nhập học. Việc này có ảnh hưởng đến khả năng tự lập của giới trẻ hay không vẫn đang gây tranh cãi, tuy nhiên không thể phủ nhận mức độ phổ biến của những “lều tình yêu”.
Chính sách một con được thi hành từ năm 1979 khiến nhiều gia đình Trung Quốc cảm thấy khó khăn khi rời xa đứa con duy nhất. “Chúng tôi vô cùng lo lắng. Vợ chồng tôi xin nghỉ 10 ngày đưa con bé đến trường, giúp nó chuyển đồ vào ký túc xá trong 2 ngày và thời gian còn lại thăm thú Thượng Hải”, Eva Zhang, 48 tuổi, đưa con gái Zhang Yan đi nhập học cho biết. Quê chị ở Thiên Tân, cách Thượng Hải 11 giờ ôtô. Chị bảo phải tận mắt thấy con ổn định chỗ ở mới yên tâm.
Chính những phụ huynh như chị Zhang là lý do ra đời "lều tình yêu". Những chiếc lều đầu tiên xuất hiện ở Đại học Thiên Tân vào 4 năm trước. Một số trường khác nhanh chóng học hỏi hình thức này như Đại học Bách khoa Tây Bắc và Đại học Sán Đầu (Quảng Đông). Đại học Sán Đầu dựng 28 lều miễn phí cho phụ huynh trong đợt nhập học 27-29/8 năm nay.
Theo Lanner Lan từ bộ phận hỗ trợ sinh viên Đại học Sán Đầu, trường cung cấp những lều đôi dành cho cặp vợ chồng. Tuy nhiên, một số phụ huynh có thể phải ở chung với người lạ do số lều có hạn. Lều được đặt trong phòng tập thể dục, nơi có sẵn vòi sen và nước nóng để sinh hoạt.
“Lều được trải chiếu và có điều hòa, khá thoải mái. Dù không có gối nhưng ngủ một đêm vì con thế này cũng tốt rồi”, Huang Yiming, dùng chung lều với một người khác tại Đại học Sán Đầu chia sẻ. Con trai duy nhất của anh là Huang Zonghai vừa trở thành sinh viên kỹ thuật của trường. “Các khách sạn giá tốt quanh trường đã được đặt trước. Hàng chục phụ huynh khác cũng không tìm được phòng giống như tôi”, Huang giải thích.
Tang là nông dân ở tỉnh Quảng Tây có con gái đỗ y khoa thuộc Đại học Sán Đầu năm ngoái. Sau khi biết phụ huynh tân sinh viên được cung cấp lều ở miễn phí, anh đã đưa con đến trường sau 10 tiếng đi tàu hỏa. Việc không phải trả tiền thuê chỗ ở khiến anh đỡ được một gánh nặng.
Ban đầu, phụ huynh được ở trong các phòng học có sẵn bàn, ghế, điều hòa nhưng không có giường. Đại học Sán Đầu đã nâng cấp chỗ ở cho phụ huynh thành những chiếc lều được trải chiếu để họ cảm thấy thoải mái hơn.
Thông thường, những tân sinh viên ở Trung Quốc không chỉ được hộ tống bởi cha mẹ mà còn cô dì, chú bác, ông bà, anh em họ. Phụ huynh liên lạc thường xuyên với con cái sau khi tiễn chúng qua cánh cửa đại học.
“Trái tim tôi trống rỗng khi phải xa con trai”, bà Hu, 50 tuổi, mẹ của Chen Tingtao, sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Quảng Đông tỏ vẻ buồn bã. Cha mẹ Chen, cô, chú và cả một em bé một tuổi chen chúc trên xe hơi 5 chỗ để đưa Chen đi nhập học. Bà Hu đã đến ký túc xá 3 lần để lau dọn, dỡ đồ, tìm hiểu bạn cùng phòng của Chen.
Bà mẹ này nhắn tin hỏi han con trai liên tục trong 4 ngày qua để hỏi xem con có ăn ngon miệng không. “Nhưng tôi phải đợi ít nhất một học kỳ mới được gặp lại con trai mình”, bà nói.
Nhiều sinh viên ở Trung Quốc cảm kích trước sự hỗ trợ của cha mẹ. Yvonne Wong, 22 tuổi, kể rằng mẹ đã đưa cô đi nhập học ở Đại học Hoa Nam (Quảng Châu) 4 năm trước. Bây giờ, cô ước cha mẹ có thể ở bên mình lần nữa khi sắp sửa bắt đầu chương trình thạc sĩ ở Hong Kong. “Có quá nhiều thứ để mang đi và tôi cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Họ cũng có thể nhìn thấy trường đại học trông như thế nào và tự hào khi tôi được học ở đó”, cô nói.
Phiêu Linh (theo Quartz)