Sáng 9/9, hơn 50 bệnh nhi trong đồng phục áo thun trắng ngồi thành hàng ngay ngắn, gương mặt đầy vẻ háo hức chờ lễ khai giảng. Ở hàng đầu tiên, gần 10 bé học giỏi nhất lớp năm ngoái được mặc đồng phục cử nhân chờ nhận giấy khen. Vây quanh sân khấu là gần trăm thân nhân các bé.
Lễ chào cờ diễn ra trong tiếng hát quốc ca đôi khi sai lời của các học sinh đặc biệt này. Tiếp đó, bé Lê Nguyễn Anh Thư (10 tuổi) được giới thiệu lên sân khấu biểu diễn một tiết mục văn nghệ.
Vẻ bình thản, Thư giới thiệu mình bị ung thư máu, đang điều trị nội trú và sức khoẻ tiến triển tốt. "Em mơ ước sau này trở thành ca sĩ", cô bé nói rồi hát tặng bạn trong lớp bài Ngày đầu tiên đi học.
Bên dưới, nhiều người lớn không cầm được nước mắt.
Là một trong những người thành lập lớp học từ năm 2009, cô Đinh Thị Kim Phấn (63 tuổi, nguyên giáo viên trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1) cho biết, lớp học là nơi cô cảm thấy bình yên nhất giữa cuộc sống bộn bề, lo toan. Những ngày đầu, cô và đồng nghiệp vào tận giường bệnh để dạy các em viết chữ, học vần, sau đó được bệnh viện sắp xếp căn phòng 30 m2 để làm nơi dạy học tập trung cho các bé.
Lớp được mở vào mỗi thứ sáu và bảy, chủ yếu dạy bệnh nhi lớp 1, sau đó tăng dần đến lớp 5, rồi lớp 9. Hàng tuần, ít nhất 4 giáo viên có chuyên môn cùng các tình nguyện viên là sinh viên hướng dẫn các bé học Toán và Tiếng Việt.
"Các em là những chiến binh quả cảm nhất, hàng ngày chống chọi với bệnh tật. Từng cuốn tập viết của các em được chúng tôi lưu lại, trong đó có những cuốn tập của những em không còn nữa. Mong các em sẽ về lớp càng ngày càng nhiều và cầu mong số lần chia tay các em càng lúc càng ít đi", cô Phấn nói, giọng nghèn nghẹn.
Có con trai 15 tuổi điều trị ung thư máu hơn 10 năm nay, chị Võ Mai Chi (quê Tây Ninh) kể, từng nhiều lần thấy tuyệt vọng trước bệnh tình của con. Hôm hai mẹ con ôm nhau khóc ở hành lang bệnh viện, cô Phấn đến an ủi, khuyên chị đưa con trai vào lớp học. "Từ đó thằng bé cười nhiều hơn, còn tôi cảm động vô cùng", chị Chi nói.
Sau 10 năm hoạt động, hơn 1.200 lượt học sinh bệnh nhi đã tham gia lớp học do cô Phấn chủ nhiệm. Nhiều em đã biết đọc, biết viết, ôn tập lại bài vở trong thời gian điều trị nội trú. Hơn 40% học sinh được điều trị khỏi bệnh, trở về quê tiếp tục đến trường nhưng nhiều em đã không còn nữa.