Sự phát triển của nền Kinh tế số (Digital Economy) trong thời đại 4.0 giúp con người làm quen với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ như Amazon, Airbnb, Uber... đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển lớn của các doanh nghiệp trẻ muốn bước chân vào "địa hạt" này.
Cách đây gần 10 năm, thị trường việc làm hot nhất là ngành ngân hàng, sau đó bão hoà, nhường xu thế cho ngành truyền thông, quảng cáo. Tiếp đó, những ngành truyền thông ngách như Digital Marketing hay ngành về công nghệ như Big Data và AI (trí thông minh nhân tạo) được đưa vào giảng dạy ngay khi các nhà giáo dục nhận thấy sự chuyển biến của thị trường nhân sự. Nhiều doanh nghiệp đứng trước sự phát triển của công nghệ và kinh tế mong muốn tìm được những ứng viên có chuyên môn kỹ thuật số, khả năng ứng phó trước sự thay đổi liên tục của lĩnh vực đặc thù này.
Tuy vậy, những ngành như Digital Marketing cũng chỉ là một nhánh trong các nhóm công việc phục vụ lĩnh vực công nghệ rộng lớn. Theo thời gian, doanh nghiệp nhận ra họ cần nhân sự có tầm bao quát về tất cả yếu tố xoay quanh kinh doanh trên nền tảng công nghệ, đảm bảo tối ưu hiệu quả và tránh rủi ro. Ngành học Kinh doanh Kỹ thuật số (Digital Business) ra đời như một giải pháp toàn diện cho thị trường lao động đang thiếu hụt nhân sự ở mảng này.
Phó giáo sư Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị tại RMIT Việt Nam cho biết: "Khái niệm Kinh doanh Kỹ thuật số còn khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên đang trên đà tăng trưởng tốt với tổng thu nhập 5 tỷ USD vào năm 2016. Con số này dự đoán tăng lên 10 tỷ USD năm 2021 theo số liệu từ Bộ Công Thương.
Những gương mặt nổi bật trong lĩnh vực này tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Batdongsan và Thegioididong, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ như Grab hay Luxstay, các công ty tài chính công nghệ như Timo, Momo... cho thấy sự rộng mở trong cơ hội việc làm của ngành.
Trong khi Thương mại điện tử dùng công nghệ như một nền tảng hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn hoặc loại bỏ phần thừa trên mô hình hiện tại, Kinh doanh kỹ thuật số lại dùng công nghệ làm cốt lõi để tạo ra giá trị và trải nghiệm mà Grab, GoViet hay ví điện tử Timo là những ví dụ điển hình, Phó giáo sư Nkhoma chia sẻ.
Cùng ngoại ngữ, hiểu biết công nghệ giờ là tiêu chuẩn kép để người trẻ chứng thực khả năng linh hoạt trong việc tiếp nhận các thay đổi hàng ngày của xã hội 4.0. "Điều đó sẽ khiến ngành Kinh doanh kỹ thuật số trở thành một trong những ngành hot trong tương lai gần", Phó giáo sư Nkhoma nhận định.
Ngành học giúp sinh viên phát triển kiến thức nền tảng về doanh nghiệp qua sự chuyển đổi kỹ thuật số, học hỏi các mô hình kinh doanh mới cùng các nguyên tắc kinh doanh bài bản. Sinh viên cũng sẽ được trang bị kỹ năng khai thác tiềm năng các nền tảng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu suất kinh doanh, cũng như năng lực quản lý và lãnh đạo, chạy một start up kỹ thuật số.
Phó giáo sư Nkhoma nói thêm: "Để thành công trong thế giới số hóa, các chuyên gia và lãnh đạo phải có hiểu biết về xu hướng công nghệ, cũng như kỹ năng thiết yếu để đương đầu với thách thức từ những đột phá diễn ra không ngừng". Ngành này sẽ tạo tiền đề để sinh viên tốt nghiệp nắm giữ những vai trò lãnh đạo và quản trị trong các tổ chức như cơ quan thuộc chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp kỹ thuật số, doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số và công ty tài chính công nghệ.
Thế Đan