Với gương mặt trái xoan, đôi mắt đen nhánh, nụ cười rạng rỡ cùng dáng người dong dỏng cao, Phạm Tường Lan Thy (học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) nổi bật giữa đám bạn. "Có lẽ em được sinh ra từ ống nghiệm nên khác biệt hơn mọi người", nữ sinh cười tươi nói. Gần 18 năm trước, Thy là ca thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.
Từng là học sinh chuyên Văn, Thy đặc biệt giỏi các môn xã hội nhất là Sử. Em từng giành huy chương Vàng cuộc thi Olympic lịch sử TP HCM, cùng đồng đội đoạt giải vô địch thành phố cuộc thi Cùng non sông cất cánh.
Nhưng với mong ước trở thành bác sĩ giỏi "để trả ơn ngành y học nước nhà" đã đem mình tới với thế giới, đồng thời có cơ hội được chăm sóc những người bệnh, từ lớp 11 Lan Thy quyết định chuyển sang học chuyên khối B. Vì học đều tất cả môn nên việc thay đổi này Thy không gặp nhiều khó khăn. Nữ sinh dự định thi khối B vào ngành Y đa khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và khối D hoặc A1 Đại học Quốc tế TP HCM.
Chia sẻ về câu chuyện được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, Thy cho biết chính cách sinh ra đặc biệt này trở thành câu chuyện để bạn bè trêu chọc, không ít lần em khóc tức tưởi, thậm chí nổi giận đánh lại bạn. "Hồi đó, dù đã được ba mẹ giải thích, em vẫn suy nghĩ rất tiêu cực rằng mình không phải là con của ba mẹ và không được bình thường như các bạn khác", Thy nhớ lại.
Đến lớp 8, khi học môn Sinh học, Thy được giáo viên giảng giải về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cô mới bắt đầu hiểu rõ hơn về quá trình hình thành của mình. "Khi cô giáo giới thiệu em chính là thành tựu lớn nhất của nền y học nước nhà, cả lớp đã vỗ tay hoan hô. Từ đó, em mới bắt đầu tự hào và thay đổi cách nhìn", nữ sinh chia sẻ.
Bây giờ, thỉnh thoảng nữ sinh vẫn bị bạn bè gọi là "ống nghiệm", đôi khi là trung tâm trong những câu chuyện. "Hồi lớp 10 em đã bật khóc ngay giữa trường khi bị các chị lớp trên nói rằng mình là sự 'thất bại của con tinh trùng', là dị nhân... Nhưng em không phản ứng lại mà kiềm chế và tự hứa cố gắng để chứng minh mình không phải là đồ bỏ đi", Thy tâm sự.
Nhiều năm liền là học sinh giỏi, Lan Thy còn năng nổ tham gia các cuộc thi và chương trình văn nghệ, tham gia nghiên cứu khoa học. Năm trước, đề tài về lĩnh vực điện - điện tử của Thy (làm cùng người bạn chuyên Lý) vượt qua vòng loại cấp trường rồi thành phố và giành giải ba quốc gia. Không hài lòng với kết quả này, năm nay Thy và bạn tìm cách nâng cấp, cải tiến để tiếp tục đưa đi tranh tài.
Trong các môn học, Thy sợ nhất là Toán, đặc biệt là phần Hình học. "Chỉ cần đến giờ Hình học là em thấy rất sợ", Thy nói. Mặc dù vậy điểm tổng kết môn này của em vẫn trên 8. Nhiều môn khác như Văn, Sử, Địa, Sinh... luôn trên 9.
Ngoài việc học giỏi đều tất cả môn, Lan Thy còn có thể chơi được 8 loại nhạc cụ: piano, organ, violin, ukulele, saxophone, guitar, kèn trumpet, kèn trombone. Trong đó, piano hay violin Thy phải học từ nhỏ, một vài nhạc cụ khác dù mới học gần đây nhưng em đều có thể chơi tốt.
Từ hồi cấp 2, Lan Thy đã là đội trưởng đội kèn của trường. Lên cấp 3, em hăng hái tham gia văn nghệ và cũng là đội trưởng ban nhạc của trường Lê Hồng Phong. Với năng khiếu này, Thy đã rinh giải Ban nhạc sử dụng nhạc cụ điện tử hay nhất tại cuộc thi Liên hoan ca khúc Chú ve con toàn quốc lần 20. Nữ sinh còn lọt vào top 20 cuộc thi Miss áo dài nữ sinh Việt Nam 2015.
Chia sẻ về bí quyết học tập, hotgirl Thy cho biết phải phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học, chơi và hoạt động văn nghệ. Những năm trước Thy gần như không học thêm nhưng năm nay phải ưu tiên dành thời gian để chuẩn bị ôn thi đại học. "Em phải cố gắng học thật giỏi để có cơ hội trả ơn ngành y và báo hiếu ba mẹ. Đây là mục đích lớn nhất của em", nữ sinh nói.
Trước đó, sự ra đời của ba đứa trẻ gồm Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) vào ngày 30/4/1998 được xem là sự kiện trọng đại của nền y học Việt Nam. Đây là ca thụ tinh từ ống nghiệm thành công đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, phương pháp này có nhiều bước phát triển và được áp dụng rộng rãi, nhiều em bé đã được sinh ra bằng phương pháp này.
Nguyễn Loan