Sáng 2/6, thí sinh dự thi vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội và TP HCM cùng thi môn Ngữ văn.
Hà Nội sớm nay trời mưa. Từ 7h, trên khắp ngả đường, phụ huynh đèo con đến điểm thi, nhiều em tự đi theo nhóm. Lực lượng an ninh và sinh viên tình nguyện có mặt từ sớm ở điểm thi để hỗ trợ thí sinh.
Điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) dành cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đến 7h30, khi thí sinh đã vào hết phòng thi, nhiều phụ huynh vẫn cầm ô, mặc áo mưa đứng ngoài đưa mắt vào phòng thi của con. Một số người nói sẽ đợi con đến khi làm bài xong vì "có về cũng căng thẳng không làm được gì".
Đã tham gia kỳ thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Minh Hiếu, cựu học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ, bớt lo lắng hơn ở kỳ thi này. Tuy nhiên, em vẫn không tự tin ở môn Lịch sử và Ngữ văn.
"Đây là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức bốn môn thi nên em phải học rất vất vả. Em đã dành hầu hết thời gian hai tháng gần đây để ôn luyện hai môn yếu nhất là Sử và Văn với hy vọng sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng này", Hiếu nói.
2019 là năm đầu tiên Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Đây là cũng là lần đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Trong đó, môn Lịch sử được công bố vào tháng 3.
Toàn thành phố có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.
Do số lượng thí sinh dự thi giảm khoảng 9.000 so với năm ngoái, tỷ lệ chọi các trường cũng giảm. Trong đó, trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi cao nhất. Chỉ tuyển 225 học sinh nhưng có đến hơn 530 em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường (1/2,4). Các trường theo sát về tỷ lệ chọi gồm THPT Sơn Tây (1/2,3), THPT Trung Văn (1/2,2), THPT Yên Hòa (1/2,2), THPT Nhân Chính (1/2,1).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã huy động 11.000 cán bộ trông thi tại 169 điểm; lập 10 đoàn giám sát ở các điểm nóng. Ngoài ra, Sở cũng áp dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm tránh hiện tượng gian lận thi cử, như: phòng bảo quản đề thi và bài thi phải có camera an ninh giám sát, ghi hình 24/24h, lãnh đạo điểm thi và cán bộ công an bảo vệ đề thi và bài thi ở phòng đó 24/24h.
"Phương châm của chúng tôi là tạo ra kỳ thi nghiêm túc, không gây căng thẳng cho thí sinh", ông Lê Ngọc Quang, Phó giám Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.
Sáng 2/6, 80.300 thí sinh TP HCM tham gia kỳ tuyển sinh lớp 10 tại 135 điểm thi trong thời tiết nắng ráo. Từ 7h, các điểm thi làm lễ khai mạc, phổ biến nội quy và hướng dẫn thí sinh lên phòng thi.
Tại điểm thi THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh), nhiều thí sinh lộ rõ vẻ căng thẳng trước môn thi Ngữ văn đầu tiên. Trong lúc chờ vào phòng thi, hầu hết học sinh tranh thủ ôn bài.
Phan Thanh Nam (THCS Thanh Đa) với nguyện vọng 1 vào THPT Hoàng Hoa Thám, nguyện vọng 2 vào THPT Trần Văn Giàu cho biết tự tin nhất ở môn Toán và lo nhất môn Văn, tiếng Anh. "Một tháng qua em ôn rất kỹ, nhưng học tài thi phận, nên chỉ ráng hết sức thôi", cậu chia sẻ.
Trong khi đó, Trần Lê Thu Thúy (THCS Đống Đa) với nguyện vọng 1 vào THPT Lê Quý Đôn nói "rất căng thẳng" bởi đây là mục tiêu cha mẹ kỳ vọng. "Trường này luôn nằm top 10 của thành phố, bạn nào vào đây cũng giỏi hết nên em hơi lo", Thúy nói.
Bên ngoài điểm thi, gần trăm phụ huynh đứng ngóng con bên ngoài, vẻ mặt lo âu. Bà Trần Thị Anh Thúy (ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng, nhiều trường THPT công lập năm nay có tỷ lệ chọi tăng nên cuộc đua vào lớp 10 "nóng" không thua thi vào đại học. "Ai cũng muốn con vào trường có tiếng, mà trường càng có tiếng thì điểm chuẩn càng cao, cạnh tranh từng nửa điểm", bà Thúy nói.
Năm nay TP HCM có hơn 95.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó hơn 80.300 đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập, giảm khoảng 7.000 so với năm ngoái. Số thí sinh thi thường là 74.180, thi chuyên là 6.140.
Chỉ tiêu vào lớp 10 của 112 trường THPT công lập tại TP HCM là 67.290. Dự kiến 13.000 thí sinh không trúng tuyển sau kỳ thi phải chuyển sang học các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.
Kỳ thi có 135 điểm thi với hơn 3.400 phòng. Hơn 10.200 giám thị được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM điều động phục vụ kỳ thi. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông được Sở cùng các quận huyện chuẩn bị từ nhiều tuần trước.
Theo dõi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM hàng chục năm nay, thầy Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP HCM) phân tích các số liệu và cho răng tỷ lệ chọi các trường không tăng nhiều mặc dù giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Các trường tốp đầu có tỷ lệ chọi cao như THPT Gia Định (1 chọi 2,72); Nguyễn Thị Minh Khai (2,61); Lê Quý Đôn (2,31). Một số địa bàn do áp lực dân số hoặc có mở thêm trường mới giảm chỉ tiêu ở trường cũ làm cho tỷ lệ chọi tăng lên như THPT Nam Sài Gòn, quận 7 (2,33); Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn (2,26); Bà Điểm, huyện Hóc Môn (2,24).
Thí sinh sẽ dự thi ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trong hai ngày 2 và 3/6. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba bài thi (trong đó Ngữ văn và Toán hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên.
Kết quả của kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 13/6. Một ngày sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh THPT chuyên, tích hợp và diện tuyển thẳng.
Ngày 10/7, Sở công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 và danh sách thí sinh trúng tuyển.