11h30 ngày 21/3, hơn 100 học sinh trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội tập trung ở sân trường để tham gia một dự án môn Địa lý. Trời nóng 30 độ C, các em vẫn hào hứng khi lần đầu tiên được tự tay đo chu vi Trái Đất theo cách nhà toán học, địa lý và thiên văn Eratosthenes thời cổ đại từng làm.
25 nhóm học sinh thuộc các khối lớp 6 - 7 - 8, mỗi nhóm 5-6 em nhanh chóng đi tìm vị trí để đo đạc. Tận dụng giữa trưa khi mặt trời đi qua đỉnh đầu, với dụng cụ đơn giản là chiếc cọc (thước kẻ, ống nhựa...) có thể dựng đứng vuông góc, học sinh sẽ đo góc bóng mặt trời, xác định khoảng cách từ trường mình đến đường xích đạo là bao nhiêu, từ đó tính chu vi Trái Đất theo công thức toán học.
"Em chưa từng nghĩ là mình sẽ tính được chu vi Trái Đất, vì việc này nghe có vẻ to tát quá", Lê Duy Đạt, nam sinh lớp 6 cười tươi trong khi cùng bạn bè trang trí tấm giấy lớn, nơi các em viết thông tin của nhóm và sẽ điền kết quả cuối cùng sau khi hoàn thiện việc tính toán trong buổi chiều.
Dự án đo chu vi Trái Đất tích hợp kiến thức của ba bộ môn: Địa lý, Toán học và Vật lý. Theo giáo viên Địa lý Hoàng Lan Phương, hôm nay chính là ngày xuân phân, một trong bốn thời điểm thích hợp nhất trong năm để đo chu vi Trái Đất, bên cạnh ngày thu phân, hạ chí, đông chí. Vào ngày này, ánh sáng chiếu từ mặt trời xuống sẽ vuông góc với đường xích đạo, giúp việc đo đạc dễ dàng và chính xác. Nếu rơi vào ngày khác, quá trình tính toán sẽ cần phải trừ đi chí tuyến hoặc cộng với chí tuyến, phức tạp hơn.
Dự án được cô Phương giới thiệu ở trường sau khi tham khảo thông tin từ một nhóm quốc tế. Trong hôm nay, học sinh ở nhiều trường khắp Việt Nam và các quốc gia cũng đo chu vi Trái Đất. Kết quả tính toán sẽ được tập hợp, sau đó học sinh thuộc nhóm xuất sắc có thể giao lưu trực tuyến và chia sẻ kinh nghiệm. Do hoạt động có tính quốc tế, các em phải trình bày mọi thông tin bằng tiếng Anh.
"Lúc đầu, học sinh hỏi tôi hoạt động này có ý nghĩa gì khi chu vi Trái Đất chỉ cần tra Google là biết. Tôi trả lời điều quan trọng không phải kết quả mà là quá trình tính toán để cho ra kết quả đó", cô Phương nói và cho rằng thông qua dự án, các em sẽ hiểu được nguyên tắc của nghiên cứu khoa học, từ việc đưa ra giả thiết đến tìm phương pháp để chứng minh giả thiết đó là đúng. Học sinh cũng nhận thức rõ hơn về khó khăn của các nhà khoa học trong quá trình thực hiện.
Các nhóm trưởng đã được hướng dẫn cách đo từ trước để phổ biến lại cho thành viên. Tuy nhiên, khi thực hiện, nhiều em tỏ ra lúng túng. Phí Mai Linh, học sinh lớp 8 cho biết ánh nắng lúc tắt lúc không gây khó dễ cho việc đo bóng. Các thành viên phải luân phiên nhau giữ cọc vuông góc với mặt đất, bởi cứ sau năm phút, các em phải đo lại góc bóng một lần. Tuy nắm rõ công thức, Mai Linh không chắc liệu mình có tính ra được kết quả đúng hoặc gần đúng hay không.
Dù vậy, nữ sinh tỏ ra rất thích thú với hoạt động này. "Địa lý không phải môn học yêu thích của em, nhưng em rất vui khi được cùng bạn bè đo chu vi Trái Đất, cảm thấy mình hoàn toàn có thể ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn", em nói.