Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2015
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, và các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với tư cách cá nhân của một một công dân, đảng viên và nhà giáo, một người đã “lặn lội, tự học” tiếng Anh mãi ở trong nước mà khi dùng vẫn rất khó khăn, vẫn không tự tin và không thể khá lên được, tôi xin đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư: Xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết (nói nôm na là một quốc sách) để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam, trong thời hội nhập quốc tế, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ Thông tin (CNTT).
Chúng ta vui mừng chờ đón Đại hội Đảng lần thứ XII đang đến gần. Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, WTO…, chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ tốc độ hội nhập quốc tế, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Khi viết bức tâm thư này, tôi muốn được nhắc lại một công thức quan trọng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay là CNTT + Tiếng Anh + Bộ Óc tốt = Tất cả (IT + English + Good Brain = All!) “Bộ Óc tốt/Good Brain” ở đây là một khái niệm tổng hợp gồm tất cả những yếu tố cần và đủ nằm trong cái “vỏ CNTT + Tiếng Anh” để bảo đảm cho công dân toàn cầu chung sống thành công. Như vậy, mặc dù “CNTT + Tiếng Anh” là rất quan trọng, nhưng vẫn chỉ có tính chất công cụ, công cụ cần thiết. Còn kiến thức tổng hợp và các kỹ năng đa chiều mới là cái quyết định hiệu quả của hội nhập quốc tế.
Tôi viết bức tâm thư này dựa trên những căn cứ sau đây:
1. Hai công cụ chiến lược của thời đại hiện nay: CNTT và tiếng Anh
Chúng ta đều biết, CNTT và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là hai công cụ (như “hai chân”) có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu trong thời đại toàn cầu hóa, đối với mỗi con người, mỗi công dân toàn cầu, và đối với mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Đáng mừng là nhờ Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII ban hành ngày 17/10/2000, CNTT đã được phát triển nhanh chóng cùng với nhiều ứng dụng phong phú, đa dạng trong toàn xã hội. Nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học, các cơ quan hợp tác quốc tế..., đã thực hiện tốt Chỉ thị này.
Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng TW Đảng đã chỉ đạo quyết liệt và đi đầu trong việc tăng cường tin học hóa các thủ tục hành chính và mọi hoạt động xã hội. Khách quốc tế đến Việt Nam cũng khen chúng ta phổ cập tốt về ứng dụng CNTT trong xã hội, mặc dù mức sống của chúng ta còn thấp. Khi đi ra nước ngoài cũng dễ nhận thấy nhiều nước kinh tế phát triển hơn nước ta nhưng CNTT chưa được sử dụng phổ cập và tiện lợi được như ở nước ta. Sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT và ứng dụng trong 15 năm qua ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là nhờ có Chỉ thị 58, toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội đã vào cuộc và, có lẽ, một phần cũng nhờ con người Việt Nam thích tư duy logic của toán học và tin học.
Nếu Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 nhưng về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, nếu toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc thì việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước chúng ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục, góp phần tích cực để phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (nhất là hiện nay khi Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền của ta ở Biển Đông)..., để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường.
Nói riêng, cần phải triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008. Đề án này đã được Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực chỉ đạo thực hiện, ngành giáo dục cùng cả xã hội đã có nhiều cố gắng để triển khai và đã đạt được những kết quả bước đầu.
2. Xin nói thêm về tầm quan trọng của tiếng Anh
Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều người Việt Nam và người nước ngoài nói về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi một con người và mỗi đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác. Vì ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm được một cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc bên ngoài. UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Vấn đề là ở chỗ ngày nay những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng (những) ngoại ngữ nào. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất, hay ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt. Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác.
Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Trung quốc, Nhật Bản..., họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một. Theo thống kê mấy năm trước đây của Hội đồng Anh (BC): Có 370 triệu người bản ngữ nói tiếng Anh và 375 triệu người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Như vậy có 745 triệu người nói tiếng Anh. Con số này tăng nhanh lên hàng ngày.
Đó là chưa kể đến hàng tỷ máy tính, điện thoại di động trên khắp thế giới này lại chỉ được con người "dạy” để ”nói và nghe” tiếng Anh và các phần mềm chủ yếu được viết bằng tiếng Anh. TS. C. McCormick, Phó chủ tịch Tổ chức Giáo dục quốc tế, đã nhiều lần khẳng định: “Tiếng Anh là nền tảng vững chắc và công cụ mạnh mẽ để trao đổi nghiệp vụ, văn hóa và kinh tế”.
3. Bài học từ Singapore và Malaysia
Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Philippines..., và nhất là các nước "con rồng” luôn đề cao tiếng Anh, CNTT và chủ trương quốc tế hóa nền khoa học và giáo dục của họ. Ở đây, tôi xin tập trung vào hai ví dụ cụ thể là Singapore và Malaysia để tham khảo và so sánh.
Năm 1965, Singapore tách ra thành một đảo quốc độc lập từ Malaysia và ông Lý Quang Diệu (1923-2015), cựu sinh viên luật của Đại học Cambridge, nước Anh, là Thủ tướng trong suốt 31 năm, từ 1959 đến 1990. Với diện tích 697,25 km2, chỉ xấp xỉ bằng huyện Cần Giờ, TP HCM, và dân số 5,47 triệu người (tháng 6/2014), Singapore xuất phát từ một làng chài nghèo, đến nước uống cũng không có, phải mua của Malaysia. Vì thế Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã xác định rằng nước mình không có một nguồn tài nguyên nào hết, tất cả phải nhờ cái đầu, đi lên bằng cái đầu, bằng nguồn nhân lực và tài năng.
Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh. "Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng người gốc Hoa ở Singapore khi quyết định dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong các trường học, ông Lý Quang Diệu nói: "Muốn chống lại thì hãy bước qua xác tôi". "Lý Quang Diệu hiểu rõ một điều sự thật: muốn thịnh vượng về kinh tế và vươn lên tầm cao thế giới để biến Singapore thành một quốc gia kỹ trị thì không có con đường nào khác ngoài việc phải làm cho trẻ con giỏi tiếng Anh thật sự, ngay từ bé khi bước chân vào nhà trường".
Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn (copy) sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học của mình, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Đây có lẽ là cách nhanh nhất, khoa học nhất, tiết kiệm nhất để cập nhật, hiện đại hoá nền giáo dục và nói riêng là biên soạn sách giáo khoa, bảo đảm các nguyên tắc của khoa học sư phạm hiện đại, vì các nước phát triển lâu đời như nước Anh đã có truyền thống với nhiều chuyên gia khoa học và giáo dục rất giỏi. Rồi không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà ngay cả những trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Singapore như NUS hay NTU, từ lâu đã sử dụng luôn chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ, sách giáo khoa và sách tham khảo, áp dụng việc thi cử và bằng cấp của các đại học đứng đầu thế giới như Harvard, MIT (của Mỹ) và Cambridge, Oxford (của Anh).
Singapore đã coi tiếng Anh là chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu. Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh. Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh. Nhờ kiên trì thực hiện chủ trương “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học, ngày nay Singapore có lợi thế lớn. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện chủ trương này.
Ông Lý Quang Diệu từng được Chính phủ Việt Nam mời làm cố vấn. Ông gợi ý: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ..., bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Ông còn cảnh báo thêm, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".
Hiện nay, trên 20% số sinh viên trên đất Singapore là người nước ngoài. Họ đến đây học bằng nhiều loại học bổng khác nhau hoặc tự túc, cũng có thể bằng học bổng do Singapore cấp, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì ở lại làm việc cho Singapore để trả nợ. Một số trường phổ thông chất lượng cao và đại học có uy tín quốc tế của Singapore đã trực tiếp sang Việt Nam hoặc qua Internet, tổ chức hội thảo du học, trại hè..., để thu hút những học sinh, sinh viên và NCS Việt Nam tài năng.
Như vậy, họ không chỉ biết khai thác trí tuệ của 5 hay 6 triệu người của mình mà cả hàng triệu người nước ngoài, nhất là những người có tài, trẻ trung và sung sức, đến học tập, nghiên cứu và làm việc tại Singapore, hoặc khai thác qua mạng Internet/online. Sự khôn ngoan của họ lại làm tôi nhớ đến câu thơ rất hay của Cao Bá Quát (1808-1855) “kho trời chung, mà vô tận của mình riêng”.
Trong khi đó Malaysia, nước láng giềng bên cạnh, thì lại chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra học nước ngoài, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, con nhà giàu, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ đôla Mỹ và chất lượng đại học đi xuống. Cách đây ít năm, sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước. Nói vậy thôi, nhưng có lần vào khoảng đầu những năm 2000, khi tham dự Hội nghị thường niên của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEC) được tổ chức tại Kinabalu (Malaysia), tôi nghe ông phát biểu trơn tru bằng tiếng Anh thứ thiệt trong suốt một giờ đồng hồ mà không cần cầm giấy tờ, trợ lý, phiên dịch gì cả.
Kết luận: Tôi xin đề nghị Bộ Chính trị, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, xem xét, tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của chính đất nước ta (từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh), của Singapore và Lý Quang Diệu, của các nước phát triển thần kỳ khác, để có quốc sách phù hợp cho tiếng Anh song hành cùng CNTT ở Việt Nam.
Tôi xin cảm ơn Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã dành thời gian đọc và xem xét kiến nghị của tôi, một nhà giáo, một đảng viên, một công dân yêu nước, luôn mong mỏi đất nước mình phát triển nhanh chóng một cách bền vững, để dân tộc Việt Nam có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong mỏi. Kính chúc các đồng chí khỏe mạnh, hạnh phúc và hoàn thành trọng trách cao cả mà dân tộc và Đảng đã tín nhiệm trao cho.
Kính thư,
Trần Văn Nhung