Trước hết, xin giới thiệu tôi là thư ký tòa án, 24 tuổi. Ngành nghề tay trái của tôi là dạy thêm học sinh lớp 11, 12 các môn Tự nhiên được gần 5 năm dưới hình thức dạy kèm, dạy theo nhóm và tôi chưa bao giờ đi học thêm trong quá trình học phổ thông dưới bất kỳ hình thức nào. Dưới đây, với vai trò là người chưa đi học thêm, người đang dạy thêm và chút ít hiểu biết, tôi xin mạn phép trình bày ảnh hưởng của dạy thêm, học thêm đối với từng đối tượng cụ thể:
1. Đối với người dạy (chỉ giáo viên đứng lớp):
Về mặt thu nhập, rõ ràng ai cũng nhận thấy, động cơ chủ đạo của người dạy thêm là cải thiện thu nhập, vẫn có những lý do khác, nhưng rất hãn hữu. Tôi cho rằng, kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mọi người, miễn là hợp pháp, về mặt này tôi không có gì bàn cãi.
Về mặt đạo đức, dạy thêm có vi phạm đạo đức không, theo tôi là hoàn toàn không. Nhưng hành động của người dạy để khiến người học phải tham gia lớp học thêm của mình mới là thiếu đạo đức. Người dạy sử dụng các chiêu thức như: dò bài cũ nhiều đối với người không đi học thêm; cho biết trước đề kiểm tra hoặc cho bài kiểm tra như dạng bài mà trong buổi dạy thêm đã được dạy; có thể 2 người một người học thêm một người không học thêm, dù đáp án giống nhau nhưng cách trình bày khác nhau thì người không đi học vẫn bị điểm thấp hơn; gây khó dễ trong quá trình học… Tất cả điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường sư phạm giữa những người học thêm và không đi học thêm.
Ban đầu, đối với những giáo viên mới dạy thêm, việc sử dụng những hình thức gây sức ép này còn đơn giản, sợ sệt. Về lâu dài, do cám dỗ của đồng tiền và sự cạnh tranh với những người dạy thêm khác mà việc tạo sức ép này ngày càng rõ ràng, tinh vi hơn khiến cho học sinh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của giáo viên đó về mặt điểm số, hạnh kiểm không còn sự lựa chọn nào khác là phải tham gia học thêm.
Vì vậy, theo tôi, dạy thêm khiến một bộ phận giáo viên không còn giữ được đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất của mình do mãnh lực của đồng tiền, điều mà bất kỳ con người nào cũng có thể phạm phải.
Về thái độ giảng dạy, dưới tư cách một học sinh, tôi đánh giá những giáo viên có dạy thêm đa số thiếu trách nhiệm, sự nhiệt tình trong giờ giảng chính khóa so với các đồng nghiệp không dạy thêm và so với chính họ trước khi dạy thêm. Tại sao vậy? Chỉ có một nguyên nhân, đó là gây sức ép để học sinh phải đi học thêm, nếu không đi thì không hiểu, chỉ có vậy thôi. Tôi đánh giá hành vi này rất nguy hiểm, phản sư phạm, đi ngược lại với tư cách nghề nghiệp của người thầy.
Nhiều người nói, chương trình nặng thời gian chính khóa dạy không hết, theo tôi là ngụy biện. Qua kinh nghiệm của tôi, thật sự chương trình hiện nay cũng không nặng đến mức mà người ta không thể chuyển tải hết, vì Bộ giáo dục cũng đã có những phân bố cho từng môn, từng bài, cái nào dài thì nhiều tiết. Do đó, nếu thật tâm giảng dạy, tôi không nghĩ việc chuyển tải nội dung như hiện nay là nhiệm vụ quá khó khăn, không thể hoàn thành. Nếu có, hãy xem lại năng lực chuyên môn của mình.
Nói thêm về chất lượng giáo viên, theo tôi, trình độ giáo viên ra trường trong khoảng 10 năm trở lại đây khá thấp. Hiện nay, điểm đầu vào các trường sư phạm là khá thấp nếu so với các trường khác, do đó, chất lượng giáo viên ra trường theo tôi là không ổn. Trong khi, những người tốt nghiệp trường này lại có trách nhiệm đào tạo, giảng dạy những người khác, nghĩa là về kiến thức, năng lực chuyên môn phải ở một mức độ nào đó thì mới làm được.
Hiệu ứng Domino, phần lớn giáo viên dạy thêm thường là những người dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh… Tuy nhiên, đối với một số giáo viên dạy các môn như: Văn, Sử, Địa... khi thấy giáo viên những môn trên dạy thêm tăng thu nhập nên cũng có một số lợi dụng ảnh hưởng của mình gây sức ép khiến các em phải học thêm những môn này. Điều này khiến cho tình trạng dạy thêm, học thêm đang ngày trở thành một vấn nạn.
2. Đối với học sinh tham gia học thêm
Về thành tích, ở giáo dục nước ta, thành tích được thể hiện qua điểm số, và rõ ràng đây là điều dễ nhận thấy nhất. Chúng ta không thể phủ nhận một điều, học nhiều hơn thì cơ hội tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn, dẫn đến năng lực sẽ cao hơn, cơ hội đậu vào những trường đại học lớn càng tăng lên (tất nhiên không phải đa số). Đây là mặt tích cực lớn nhất mà việc dạy thêm học thêm mang lại và theo tôi cũng là một trong những lý do để một học sinh tham gia lớp học thêm.
Nhưng tôi đoán chắc rằng thành tích ở đây phần nhiều là không thực chất. Vì sao? Thành tích này có được chủ yếu là do học tủ mà có, thành tích do được nâng đỡ, thành tích do xin điểm… chứ không phải là do năng lực thật của các em. Tôi nghĩ dạy thêm, ở mặt nào đó có tác động khiến căn bệnh “thành tích” ở nền giáo dục nước ta ngày càng trầm kha hơn, do chấm điểm cao để thu hút người đi học. Tôi có những đứa học sinh, cùng học môn Toán ở 2 người, thầy dạy chính khóa và tôi? Tôi hỏi sao em học hai người chi cho tốn tiền vậy? Em đáp: “Thầy đó dạy em trên lớp, đi học cho dễ được điểm cao!”. Đây là thực trạng của việc dạy thêm hiện nay.
Về khả năng tư duy, với tư cách một người dạy thêm, tôi xin đánh giá một điều, đại đa số người học thêm có tư duy thua xa những người tự học. Vì những lý do sau. Thứ nhất, người học thêm thường ít khi chịu khó suy nghĩ để tìm lối ra mà thường phụ thuộc vào người hướng dẫn, vì họ nghĩ có thầy rồi, nghĩa là ỷ lại vào người dạy. Thứ hai, người học thêm bị ảnh hưởng tư duy của người dạy thêm, nghĩa là thầy dạy cách giải nào, phương pháp nào thì học sinh nhất nhất tuân theo mà hiếm khi nghĩ thử xem còn cách nào khác không? Nghĩa là cứ theo con đường vạch sẵn mà đi như đàn kiến. Hệ quả này khiến thui chột sức sáng tạo, khả năng nghĩ xa, nghĩ lớn, nghĩ khác người của một bộ phận học sinh.
Về năng lực học tập, tôi dám chắc thành tích thì có thể tăng lên, nhưng năng lực thật sự chưa chắc đã tăng lên. Bởi vì đa số thầy cô dạy thêm thường dạy thời gian từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, tùy theo quy mô lớp mà trong thời gian này sẽ giải được một lượng bài tập nhất định. Qua khảo sát của tôi thì rơi vào khoảng vài bài (dưới 5 bài), do đó lượng kiến thức thu nạp được là khá nhỏ, chỉ tủ vào một số dạng nhất định sẽ được cho trên lớp. Nhưng điều nguy hiểm là người học thêm vì làm được những dạng đó, điểm cao nên tự yên tâm với năng lực của mình, mà không biết rằng, những điều mình biết là khá ít ỏi, chỉ cần cũng kiểu bài đó mà biến đổi một chút là chào thua, thậm chí có những trường hợp phải đúng con số đó mới làm được.
Mặt khác, xét về mặt thời gian, thường học sinh tới nhà thầy cô giáo sẽ mất trung bình nửa tiếng cả đi lẫn về. Do đó, nếu không đi học thêm thì các em sẽ có thêm khoảng thời gian như vậy cho việc học của mình. Rõ ràng, về lôgic thời gian dành cho việc học tập nhiều hơn thì hiệu quả sẽ cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có những em khi đi học ở lớp học thêm rồi thì về nhà không thèm học nữa, bởi vì cho rằng đi học thêm là đã học rồi, nên không cần học nữa, từ đó thui chột tính tự học ở các em.
Mặt khác, trong lớp học thêm, vẫn có những học sinh giỏi, dở học chung, nhưng thầy cô không thể theo kèm sát nút từng người như học kèm, do đó người dạy thêm nếu nói cao siêu quá cho người giỏi hiểu thì người dở không hiểu và ngược lại. Do đó, hiệu quả khi đi học thêm cũng không cao, năng lực học tập cũng tăng lên (nếu có) là không đáng kể.
Về mặt sức khỏe, thể chất, phát triển các kỹ năng khác: Khi còn sống ở TP HCM, tôi có dạy em học sinh lớp 11. Em này đi học từ thứ hai đến thứ bảy, ngày 2 buổi, nếu kể luôn thời gian học thêm thì em đó chỉ được nghỉ duy nhất một buổi sáng chủ nhật. Ban đêm em ấy cũng đi học không nghỉ bữa nào cho đến 10h đêm. Nhìn người tiều tụy, xanh xao, phải chích thuốc thường xuyên mà thấy đến tội nghiệp. Nhìn rộng ra, không chỉ em mà gần như học sinh, phần lớn ở thành phố ngoài giờ học chính khóa thì thời gian còn lại ở lớp học thêm, các em có quá ít thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, phát triển các kỹ năng cho bản thân. Do đó, nhiều em lúc ra đời quá thiếu kỹ năng sống cho mình, cái mà cuộc sống yêu cầu.
Vì vậy, theo tôi, việc dạy thêm như hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường mà một đứa trẻ cần có.
3. Đối với học sinh không đi học thêm
Về tâm lý, việc bị thầy cô giáo đối xử “không bình thường” như các bạn khác trong lớp gây ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần cho đứa trẻ. Tôi từng là nạn nhân, nên tôi thấu hiểu. Lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo sợ, phải chuẩn bị bài thật kỹ, bao quát toàn bộ nội dung của chương trình học để đề phòng khả năng bị “hỏi thăm” bất cứ lúc nào. Từ một học sinh giỏi đi thi cấp huyện môn Vật lý, vì không đi học thêm mà điểm tổng kết môn của tôi là 3,9. Việc bị như vậy khiến tôi bị ảnh hưởng tâm lý kinh khủng.
Về thành tích, hiển nhiên nếu không đi học thêm thì thành tích đa phần là đi xuống, dù năng lực học tập không đi xuống. Tuy nghe hơi nghịch lý nhưng đó là sự thật. Cái này các bậc phụ huynh, đặc biệt ở những em học khá giỏi, nếu có thể hãy thực hiện một thử nghiệm để kiểm tra nhận định này.
4. Đối với xã hội
Ở bình diện xã hội, việc dạy thêm, học thêm có những mặt tích cực chứ không phải không có. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tình hình này có những biến tướng tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Như đã nói, việc phụ thuộc vào học thêm làm thui chột khả năng lao động sáng tạo; gieo vào đầu các em tư tưởng bi quan, tiêu cực trong cuộc sống; hạn chế sự phát triển toàn diện cho các em; gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội học tập...
Về phía cá nhân tôi, tôi không phản đối dạy thêm, nhưng ủng hộ quyết định cấm dạy thêm trong tình hình hiện nay, quá biến tướng, quá tiêu cực rồi. Những lý do ủng hộ việc dạy thêm thường là: thu nhập thấp quá không sống nổi, dạy thêm là nhu cầu hợp pháp… Tôi xin thưa, tôi cũng là một người yêu thích công việc giảng dạy, nhưng vì lương thấp nên tôi đã chọn công việc khác, và chọn đi dạy là việc tay trái để kiếm tiền.
Lương thấp đã là tình hình chung, và trước khi đi dạy người giáo viên đã biết trước điều đó rồi, vậy tại sao vẫn chọn để giờ này trách than. Làm nghề giáo có những cái cao quý của nó, mà đôi khi không thể đong đếm bằng tiền, bằng vật chất, đó là sự yêu thương trân trọng từ phía phụ huynh và học trò, sự tôn trọng, công nhận từ mọi người trong xã hội. Tôi nghĩ người thầy giáo chân chính hãy lấy sự tận tâm vì nghề làm thước đo thành công chứ đừng lấy danh vọng, tiền bạc ra làm thước đo cho thành công của mình.
Nguyễn Võ Đại Minh