Trong thư gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch TP Hà Nội sáng 16/3, thầy Khang đề xuất chỉ thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung đề thi cần điều chỉnh phù hợp với thực tế học sinh đã nghỉ học 2 tháng phòng Covid-19 và có thể nghỉ tiếp. Bộ cũng nên cân nhắc xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường có kênh tham khảo để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của Hà Nội, thầy Khang mong muốn Chủ tịch UBND thành phố xem xét bỏ môn thi thứ tư (là một trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân) và chỉ tổ chức thi ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Thầy Khang chia sẻ đã viết thư vào đêm qua, sau khi lắng nghe tâm tư của học sinh cuối cấp, phụ huynh và giáo viên. "Tình hình dạy và học của các lớp cuối cấp rất căng thẳng. Việc học online, qua truyền hình chỉ là biện pháp vớt vát, không mang lại chất lượng. Vì vậy, nếu thi như mọi năm sẽ tạo áp lực rất lớn cho học sinh và nhà trường trong bối cảnh đại dịch", thầy Khang nói.
Khẳng định kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội rất thành công, thầy Khang nói việc đưa ra đề xuất này là trong tình hình đặc biệt chống Covid-19. Những năm sau, điều kiện xã hội thuận lợi, các kỳ thi sẽ tổ chức lại "đàng hoàng hơn".
Theo thầy Khang, thời chống Mỹ, học sinh lớp 10 (hệ 10 năm) học đến tháng 2-3, tức là mới được 1-2 tháng của học kỳ II mà đi bộ đội thì được đặc cách tốt nghiệp. Thậm chí, khóa đại học của thầy học đến tháng 2-3 năm cuối, không có điều kiện thi hay làm luận văn tốt nghiệp cũng được làm đặc cách. Tuy nhiên, thầy giáo này không đưa ra đề xuất công nhận tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp.
Luật Giáo dục quy định lớp 12 phải thi THPT quốc gia. Thầy Khang cho rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn không tổ chức kỳ thi, hoặc giao về địa phương như một số ý kiến thì đụng đến luật và phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tháng 5. Lúc đó là quá trễ.
Cho rằng đề xuất của mình có thể ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên theo thầy Khang, các trường đã được tự chủ, có thể sử dụng phương thức tuyển sinh riêng như sơ tuyển, tuyển sinh bằng học bạ. Nếu dựa vào điểm thi THPT quốc gia, các ngành thiên về khoa học tự nhiên có thể tính điểm môn Toán nhân hệ số hai, hai môn còn lại hệ số một. Với các ngành thiên về khoa học xã hội hoặc ngôn ngữ, có thể thay đổi hệ số môn cho phù hợp, đồng thời sử dụng thêm kết quả học tập cấp THPT.
"Với những lý do trên, tôi cho rằng đề xuất giảm môn thi và điều chỉnh nội dung thi theo hướng phù hợp với tình hình thực tế là khả thi. Tôi mong các cấp có trách nhiệm sẽ xem xét, sớm đưa ra quyết định phù hợp", thầy Khang nói.
Một năm học kéo dài 35-37 tuần, chia làm hai học kỳ. Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học và có thể phải thông báo nghỉ tiếp do Covid-19 đang lan rộng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 đến trước 15/7, lùi kỳ thi THPT quốc gia đến 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với năm trước. Để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, học sinh lớp 12 phải thi ba bài Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Đến ngày 16/3, 157 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 169.000 người nhiễm bệnh, gần 6.500 người chết. Việt Nam ghi nhận 57 người nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.