Sáng 23/3, giáo sư sử học Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng Đại học Harvard (Mỹ) - đã nói về chủ đề nội chiến Mỹ với hàng nghìn sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM).
"Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa. Bởi nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta", nữ hiệu trưởng mở đầu.
Nhắc lại cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, bà cho rằng nó đã mãi mãi định hình thế hệ của bà - những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970. Thế hệ thanh niên thời đó phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan, vừa bất chính.
"Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua", bà nói.
Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết đã nghe đến khẩu hiệu người Việt Nam gửi đến khách du lịch rằng "Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh". Giống như nhiều người Mỹ khác, bà mong đến một ngày nào đó Việt Nam trong tâm trí mình là một quốc gia, một xã hội với tất cả vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.
"Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi", bà nói.
Nói về cuộc nội chiến Mỹ, nữ hiệu trưởng Harvard cho rằng nó để lại nỗi day dứt đến các thế hệ sau này. Hậu quả chiến tranh là tàn phá, con người bị thương và biến dạng, trẻ em trở thành mồ côi, tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy, kinh tế đảo lộn... Hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt.
Bà cho rằng, Việt Nam và Mỹ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài, tàn phá nặng nề và giờ đây là thời gian để hàn gắn vết thương. Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu bởi nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh, giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình.
Trước đó, bà Drew Gilpin Faust đã làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác.
Đại học Harvard là viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Harvard gồm 10 phân khoa đại học và Viện Nghiên cứu cao cấp Radcliffe. Nhiều tổng thống Mỹ và hơn 100 người được trao giải Nobel từng là sinh viên, giảng viên, hay nhân viên của đại học này.
Hiện có 16 sinh viên Việt Nam theo học tại Harvard và các trường thành viên.
Mạnh Tùng