Sáng 23/6, tại Đại học Luật TP HCM, hơn 250 cán bộ, giảng viên của trường cùng tập trung, di chuyển bằng xe khách về Sóc Trăng phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia. Tại cụm thi 60, trường có hai cán bộ trong Hội đồng thi, 12 người làm điểm phó, 11 người làm thanh tra, 14 người giám sát, còn lại coi thi.
"Sau khi coi thi xong, 26 giảng viên sẽ ở lại để tham gia ban chấm thi tự luận hoặc ban chấm thi trắc nghiệm", Thạc sĩ Lê Văn Hiển (Phó phòng Đào tạo) thông tin.
Tương tự, hơn 500 viên chức Đại học Kinh tế TP HCM cũng di chuyển đến cụm thi số 58 - Vĩnh Long hỗ trợ tại 18 điểm thi ở thành phố Vĩnh Long và 5 huyện. Lần đầu tiên phối hợp với tỉnh này tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng sự chuẩn bị khá ăn ý, do hai bên đã làm việc nhiều lần trước đó.
"Việc ăn ở được trường ký hợp đồng đặt trước ở những nơi tốt nhất tại địa phương, nhằm tạo sự thoải mái và yên tâm cho các thầy cô trong suốt thời gian công tác", đại diện trường cho hay.
Trước đó, Đại học Kinh tế cũng họp toàn thể viên chức tham gia công tác coi thi nhằm thông tin về những điểm mới trong công tác tổ chức thi. Phó điểm của đại học cùng một công an phải trực đêm trong phòng bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi.
Cũng trong sáng nay, hơn 370 giảng viên Đại học Sài Gòn "xuất quân" về các điểm thi tại Trà Vinh. Các phó điểm thi, cán bộ thanh tra và coi thi sẽ làm việc đến hết ngày 27/6. Ban chấm thi trắc nghiệm sẽ làm việc từ 26/6 đến khi hoàn thành nhiệm vụ tại trường THPT Nguyễn Thiện Thành.
Sớm hơn một ngày, 400 giảng viên Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM xuất phát từ ngày 22/6 làm nhiệm vụ tại cụm thi số 44 - Bình Thuận. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Đại học Công nghiệp thực phẩm) cho rằng, các tỉnh đã có kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị thi nên việc phối hợp không gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh có một số khó khăn như vài điểm thi ở vùng xa và thời tiết không tốt. "Ban chỉ đạo thi yêu cầu các bộ phận phối hợp chặt chẽ. Nếu xảy ra mưa gió sẽ có cách đảm bảo an toàn cho thí sinh tham gia thi", ông Sơn cho biết.
Cũng tại Bình Thuận, 150 giảng viên Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM sẽ lên đường vào trưa nay, coi thi tại 6 điểm ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Hàm Tân.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 600 cán bộ coi thi từ Đại học Công nghệ TP HCM làm nhiệm vụ tại 19 điểm thi. Một nhóm giảng viên của trường coi thi tại huyện Côn Đảo được tỉnh hỗ trợ vé máy bay.
Ở Tây Nguyên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM phối hợp cùng tỉnh Đăk Lăk, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM làm nhiệm vụ tại Đăk Nông. Trong khi đó, Đại học Nông Lâm TP HCM cùng phân hiệu của trường sẽ phối hợp cùng tỉnh Gia Lai tổ chức thi.
Tại Lâm Đồng, 380 giảng viên Đại học Mở TP HCM sẽ làm nhiệm vụ tại 17 điểm thi. Ngoài phó điểm thường trực tại mỗi điểm thi, trường đã thành lập các trưởng đoàn để lo cho việc ăn ở, đi lại, quản lý cán bộ coi thi đúng quy định.
Chủ trì một trong hai cụm thi lớn nhất nước, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM bố trí 111 điểm thi phục vụ hơn 71.000 thí sinh, hầu hết có gắn camera. Trong đó, hơn 62.000 thí sinh vừa hoàn thành chương trình THPT, hơn 8.400 em là học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Đại học Quốc gia TP HCM, các trường đại học Y dược TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Văn Hiến và Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ cử cán bộ coi thi cùng địa phương. Đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm là ba thành viên Đại học Quốc gia TP HCM: Bách khoa, Kinh tế - Luật, Khoa học Tự nhiên.
"Công tác vận chuyển, bàn giao đề tại điểm thi, lưu bài làm, vận chuyển về nơi tập trung đều có công an cùng cán bộ được phân công giám sát, thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt", Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho hay.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Về công tác coi thi, các đại học sẽ phối hợp với địa phương. Mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ coi thi là giáo viên THPT địa phương, một người là giảng viên đại học. 2019 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm. Đây được coi là một trong những giải pháp mới nhằm chống gian lận thi cử.