Thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (19 tuổi, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) thi THPT quốc gia với điểm Văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên. Với tổng điểm 30,5, Quỳnh đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân.
Ngay sau khi nộp hồ sơ, nữ sinh nhận được thông báo từ Công an tỉnh Lạng Sơn rằng không đủ tiêu chuẩn chính trị vào ngành do án tích của bố. Theo Quỳnh, năm 1994, bố cô bị Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử 12 tháng tù treo do tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Năm 1995, ông được xóa án tích rồi lập gia đình.
“Trong bản tự khai khi sơ tuyển, em đã ghi đầy đủ nội dung về án tích của bố, không giấu diếm điều gì”, Quỳnh nói. Năm ngoái, Quỳnh theo học hệ dân sự tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, biết điểm thi THPT quốc gia em đã nộp đơn thôi học vì nghĩ mình chắc chắn đỗ Học viện An ninh Nhân dân.
Cùng ở Lạng Sơn, nữ sinh Tô Thị Đệ (20 tuổi, xã Tú Đoạn, Lộc Bình) trong 3 năm liên tiếp 2014-2016 đăng ký nguyện vọng vào các trường công an. Kỳ thi THPT quốc gia 2016, em được 26,5 điểm với 3 môn Văn 8,25; Sử 9,25 và Địa lý 9. Cộng 3,5 điểm ưu tiên, Đệ tự tin đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Mới đây em nhận được thông báo của công an huyện rằng không đủ điều kiện theo học tại các trường công an do thiếu trung thực trong khai lý lịch. Theo gia đình nữ sinh Đệ, trước đây ông nội bị cho là theo giặc Pháp, nhưng em và gia đình không hay biết chuyện này.
"Ông bà nội em lấy nhau năm 1954, khi bố được 5 tuổi thì ông mất nên cả bà nội và bố đều không biết trước đó ông làm gì. Đem chuyện này hỏi người thân và các cụ cao niên trong làng, mọi người đều không biết trước đó ông em làm gì cho Pháp", Đệ chia sẻ.
"Đây là năm thứ 3 em thi vào các trường công an. Hai năm trước em vẫn đủ điều kiện xét tuyển nên khi nhận được thông báo em hoàn toàn bất ngờ. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì công an huyện nên thông báo từ đầu để em không nuôi hy vọng, tốn nhiều thời gian như vậy", Đệ tâm sự.
Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, sau khi thẩm tra lý lịch, đối chiếu theo quy định thì 2 thí sinh Nguyễn Như Quỳnh và Tô Thị Đệ không đủ điều kiện vào ngành. Phía công an tỉnh đã thông báo đến tất cả thí sinh không đủ điều kiện để các em nộp hồ sơ sang trường khác.
"Do Quỳnh và Đệ có đơn đề nghị xem xét lại nên sau khi tiếp nhận đơn, công an tỉnh đã mời hai thí sinh và gia đình đến giải thích rõ vì sao không đủ tiêu chuẩn chính trị, gia đình đã hiểu và không còn thắc mắc", đại diện Công an tỉnh thông tin.
Công an Lạng Sơn cũng cho biết riêng trường hợp thí sinh Quỳnh, cơ quan này đã báo cáo Bộ Công an để xem xét, quyết định.
Trước đó, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh đã gửi đơn cầu xét lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Bố cô cũng viết đơn trình bày mong Bộ trưởng Công an, Tổng Cục Chính trị - Bộ Công an xem xét cho trường hợp của con gái mình.
Nữ sinh Tô Thị Đệ cũng gửi tâm thư tới Bộ trưởng Tô Lâm và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an Trần Bá Thiều bày tỏ nguyện vọng "tha thiết được cống hiến cho đất nước".
Ngoài Quỳnh và Đệ, tình huống tương tự xảy ra với Trần Hương Ly - thủ khoa khối D của tỉnh Nghệ An năm nay. Ly đạt 26,5 điểm thi THPT quốc gia nhưng không đủ điều kiện vào Học viện Cảnh sát nhân dân do mẹ từng có án tích.
Hồng Vân
>>Mẹ được xóa án tích, con không đủ điều kiện xét tuyển công an