Tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với Sở Giáo dục và Đào tạo sáng 17/4, nhiều ý kiến liên quan đến quá tải trường lớp, tuyển sinh trái tuyến, chất lượng đào tạo... được đại biểu đề cập.

Cơ sở vật chất hiện đại của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Quang Xuân.
Bà Hoàng Thanh Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non) cho hay, giáo dục mầm non của Hà Nội quy mô lớn nhất cả nước. Thành phố đã xây mới nhiều trường, nhưng với số lượng trẻ đi học đông, dân số cơ học tăng nhanh nên vẫn thiếu trường mầm non công lập tại một số khu công nghiệp, khu đô thị.
Không chỉ mầm non, việc tăng dân số cơ học ở một số địa bàn cũng gây khó cho bậc phổ thông, nhất là trong tuyển sinh đầu cấp. Ngoài ra, theo ông Phạm Quốc Toản (Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng), có một số lý do chủ quan dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh như: Sự phối hợp của một số ban ngành trong điều tra số trẻ còn thiếu chặt chẽ; khó tiếp cận để điều tra cơ bản trước mùa tuyển sinh ở chung cư cao cấp do cần có thẻ đi lại; một bộ phận cha mẹ đăng ký trực tuyến nhưng không nhập học gây ra học sinh ảo.
Lý giải việc thiếu trường, lớp dẫn tới sĩ số nhiều lớp tới 60 (trong khi quy định là 35 em/lớp), Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang cho rằng sau 10 năm hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, học sinh tăng 41% còn số phòng học tăng 35-36%. Để giải quyết bất cập trên, ông đề xuất các đơn vị liên quan của thành phố ủng hộ để quy hoạch mạng lưới các trường sớm được thông qua.
Khó giải quyết học trái tuyến bằng "mệnh lệnh hành chính"
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh trái tuyến, Phó giám đốc Lê Ngọc Quang cho hay, Sở đã nhiều lần phổ biến nhưng có những quận, huyện chưa thực hiện nghiêm túc. "Nhiều trường có số học sinh trái tuyến rất cao, ví dụ một trường THCS ở quận Ba Đình có số học sinh trái tuyến 30-35%; trường tiểu học ở quận Đống Đa tỷ lệ lên tới hơn 50%", ông Quang nói.

Thư viện của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, ngôi trường được xây dựng hơn 100 năm trước. Ảnh: Giang Huy.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Văn Đại cho rằng trường có số học sinh trái tuyến đông vì chất lượng dạy, cơ sở vật chất tốt nên nhiều phụ huynh muốn con em mình được học. "Thực tế là vậy nên giải quyết bài toán trái tuyến bằng mệnh lệnh hành chính rất khó, phải có biện pháp khác", ông Đại nói. Một trong những "biện pháp khác" mà ông Đại nói đến là xây dựng hệ thống trường công lập chất lượng cao tự chủ như Hà Nội đang làm.
Theo ông Đại, Hà Nội có lợi thế dẫn đầu cả nước về giáo dục như nguồn nhân lực cao, nhiều gia đình có tiềm lực kinh tế đầu tư cho con em học hành, nhưng so với một số nước giáo dục thủ đô vẫn hạn chế. Ví dụ quy hoạch mạng lưới trường lớp, tầm nhìn cho giáo dục thủ đô chưa tương xứng. Nhiều năm qua thành phố mới xây được trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam "đẹp đẽ theo dáng dấp nước ngoài", trước đó thành phố có trường THPT Chu Văn An từ thời Pháp.
"Nhìn lại trong thành phố, chúng ta chưa có trường nào ngang tầm Singapore. Phải quy hoạch để có trường đạt đẳng cấp khu vực", ông Đại bày tỏ mong muốn.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có hơn 2.700 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với năm học 2017-2018) với hơn 58.000 nhóm lớp và gần 2 triệu học sinh.
Trong đó, trường công lập có gần 44.000 nhóm lớp với hơn 1,7 triệu học sinh; trường tư thục có hơn 14.500 nhóm lớp với hơn 256.000 học sinh (tăng hơn 90.000 học sinh so với năm học trước). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục của thành phố là hơn 155.000.