Tại cuộc họp đột xuất sáng 7/3, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói căn cứ diễn biến dịch bệnh 12 giờ qua, ông xin thay đổi quyết định trước đó. Thay vì đi học từ 9/3, học sinh THPT cùng với các cấp học còn lại sẽ nghỉ hết 15/3.
Với khoảng 180.000 học viên trường cao đẳng và dạy nghề (đi học từ ngày 2/3), ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu cho nghỉ đến ngày 15/3.
Để đảm bảo tiến độ học tập, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy trên truyền hình. "Hôm nay và ngày mai, việc ghi hình, biên tập nội dung bài học sẽ được thực hiện, tập trung cho các lớp cuối cấp (9 và 12). Chúng tôi sẽ phát sóng từ ngày 9/3", ông Dũng nói.
Trước đó trong cuộc họp chiều 6/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung quyết định cho học sinh THPT đi học từ ngày 9/3 do thành phố chưa phát sinh ca nhiễm bệnh nào, các trường học đã sáu lần tổ chức phun khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện đón học sinh.
Tuy nhiên, tối cùng ngày Bộ Y tế công bố ca nhiễm nCoV thứ 17. Bệnh nhân 26 tuổi, sống ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, từng đến Anh, Italy, Pháp và trở về Việt Nam ngày 2/3 với triệu chứng ho, đau mỏi người, đến ngày 5/3 xét nghiệm dương tính với nCoV. Đây là ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Hà Nội.
Việc cho học sinh nghỉ kéo dài có thể ảnh hưởng đến kế hoạch năm học. Một năm học gồm 35-37 tuần, hiện học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6, tuyển sinh lớp 10 trước 15/8; thi THPT quốc gia từ 23 đến 26/7, muộn hơn một tháng so với mọi năm.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngoài Hà Nội, khoảng 40 tỉnh thành đã cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ đến hết ngày 15/3. Học sinh THPT ở 60 tỉnh, thành đã đi học trở lại từ ngày 2/3.