Biết thông tin trường tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An ở TP Hải Phòng chỉ chọn học sinh ngoan, học giỏi dự tiết học thi giáo viên giỏi cấp thành phố, một giáo viên tiểu học ở Gia Lai cảm thấy buồn, nhưng không bất ngờ. Chính cô vừa là "nạn nhân", vừa là "thủ phạm" trong những kỳ thi giáo viên giỏi.
Cô thẳng thắn cho rằng không chọn lọc học sinh giỏi vào các tiết "diễn" thì sẽ không đạt điểm cao. "Được dự thi giáo viên dạy giỏi lẽ ra là vinh dự với người thầy, nhưng bây giờ nó trở thành gánh nặng, việc bất đắc dĩ phải làm. Ở nhiều nơi đang biến thành hình thức", cô giáo nói.
Nữ giáo viên kể, bước vào đầu năm học, thầy cô bậc tiểu học thường quay cuồng với việc ổn định nề nếp, họp phụ huynh rồi tiếp đó bước vào "ma trận" hội thi của cả thầy và trò. Thông thường, hội thi giáo viên giỏi cấp trường được tổ chức hàng năm, gần như thầy cô nào cũng phải dự thi với ba vòng: sáng kiến kinh nghiệm, bài thi năng lực và các tiết dạy thực tế.
"Sáng kiến thì có người tự mày mò nghiên cứu, nếu bận quá thì lên mạng tìm kiếm, tha hồ tải xuống mà chỉnh sửa, xào nấu. Bài thi năng lực cũng có bộ đề, chịu khó ôn thì cũng qua", cô kể. Còn để chuẩn bị cho các tiết dạy, giáo viên sẽ chuẩn bị tập dượt với lớp mà mình sẽ thi.
Giáo viên sẽ chọn học sinh giỏi nhất đưa ra câu hỏi có sẵn, dặn dò giơ tay phát biểu. Các em yếu, trung bình thì được dặn ngồi trật tự trong lớp. Một số tình huống dự kiến trong các tiết dự giờ sẽ được cô đặt ra để học sinh làm quen, tới ngày thi thì biết cách "diễn xuất".
Lần đầu tham gia cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường, cô giáo ở Gia Lai đầu tư rất công phu các khâu và tuyệt đối không để lớp học "diễn xuất". Mọi thứ diễn ra tự nhiên, nhưng cô không đạt kết quả cao, kéo theo thành tích thi đua cuối năm giảm sút, cấp trên không hài lòng.
Những lần sau, cô làm theo cách đồng nghiệp nên đạt thành tích tốt. Hai năm liên tiếp đạt giải ở trường, cô được gửi đi thi cấp huyện và tiếp tục vòng quay chuẩn bị tương tự, nhưng căng thẳng, áp lực hơn. "Thành tích lúc này không chỉ cho riêng mình mà là của trường. Ban giám hiệu rất kỳ vọng nên không thể trở về không. Hai năm trước tôi đạt giải khuyến khích", cô kể về kỳ thi cấp huyện.
Tôn chỉ của các hội thi giáo viên giỏi là tạo sân chơi để người thầy tự học, sáng tạo, thể hiện năng lực, đúc rút kinh nghiệm và học hỏi từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, hội thi theo đánh giá của cô, đang biến thành cuộc chạy đua hình thức. Giáo viên muốn có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì phải dạy giỏi, trường muốn đạt chuẩn thì phải có số lượng giáo viên đạt giải.
"Nên xem xét lại cách thức tổ chức và ý nghĩa của các hội thi, từ cấp trường đến cấp tỉnh. Nếu không vì mục tiêu làm cho giáo viên tốt hơn, học trò được thụ hưởng tiết dạy hay hơn mà chỉ đơn thuần là tấm bằng khen thì nên bỏ", cô giáo thẳng thắn đề xuất.
Tương tự cô giáo ở Gia Lai, một giáo viên tiểu học ở Đồng Nai thành thật chia sẻ từng đi "mua" sáng kiến dạy học cho hội thi giáo viên dạy giỏi ở trường năm ngoái. "Lớp quá nhiều việc, lại đúng dịp tôi có chuyện gia đình nên không có thời gian chuẩn bị. Tôi lên mạng, tìm rồi mua một sáng kiến kinh nghiệm có sẵn để nộp cho hội thi", thầy kể.
Cũng như nhiều đồng nghiệp, thầy cũng cho học sinh "thực hành" trước tiết học. Những em giỏi sẽ là nhân vật chính của các tiết, đảm bảo sự thành công thầy dạy hay, học trò hiểu bài.
"Giáo viên và học trò phải diễn bởi tiêu chí đánh giá các tiết học cũng rất rập khuôn, máy móc. Giáo viên giỏi hay dở phải đánh giá cả quá trình dài, không thể chỉ qua vài tiết dạy được chuẩn bị sẵn", thầy nói và cho rằng ngành giáo dục cần cải tổ các hội thi giáo viên giỏi hiện nay.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cho biết, sở dĩ có hiện tượng như ở Hải Phòng là thang điểm đánh giá có yếu tố học trò. Trò phải hiểu bài, hăng say phát biểu, trả lời đúng câu hỏi. Từ đó làm nảy sinh tình trạng giáo viên cho trò yếu ở nhà, trò giỏi dự tiết. Thầy diễn, trò diễn và chính người dự giờ đôi khi cũng diễn, bởi họ rập khuôn, máy móc theo các tiêu chí có sẵn để đánh giá.
"Các tiết học nằm trong một hội thi mà đã thi thì cả người thi lẫn giám khảo đều có áp lực riêng. Một vài tiết thì không thể đánh giá hết được năng lực giáo viên", thầy Phú nói. Do đó, nếu các hội thi giáo viên giỏi duy trì chỉ để đánh giá thành tích cho giáo viên thì có thể bỏ để bớt đi áp lực cho thầy giáo và nhà trường.
Các trường có thể tổ chức tiết thao giảng, giao lưu với nhau để học tập kinh nghiệm giảng dạy, sáng kiến hay. Khi hội thi giáo viên giỏi không nặng nề thành tích mà hướng tới sự giao lưu thì mới ý nghĩa, hiệu trưởng Phú đề xuất.
Cùng suy nghĩ với thầy Phú, một giáo viên THCS ở huyện Cần Giờ, TP HCM cho biết, kết quả cô rút ra được từ nhiều lần tham gia hội thi giáo viên giỏi là cách thức chuẩn bị bài giảng chu đáo, công phu thì chất lượng tiết dạy sẽ tốt.
Trường cô không đặt áp lực tham gia hội thi giáo viên giỏi cho tất cả thầy cô mà chỉ chọn vài người trong năm học theo hướng xoay vòng. Nhờ sự động viên từ Ban giám hiệu cũng như tôn chỉ đưa ra là không đặt nặng thành tích nên kỳ thi giáo viên giỏi trở thành ngày hội thật sự với thầy cô trong trường.
"Học sinh đa phần thích thú với các tiết học vì được thầy cô chuẩn bị mới mẻ. Chưa kể, nhờ có các tiết học này, thầy trò được hưởng thiết bị hiện đại hơn mà bình thường không có", cô kể. Đây chính là điều bổ ích những người đứng trên bục giảng gặt hái được trong các hội thi thi giáo viên giỏi.