Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay thông báo, giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp, qua đời ngày 18/4, thọ 91 tuổi. Lễ viếng ông diễn ra sáng 21/4 tại Nhà tang lễ quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), lễ điện táng tại nghĩa trang Văn Điển chiều cùng ngày.
Giáo sư Phan Hữu Dật sinh năm 1928, tại Thừa Thiên Huế. Năm 1961, ông tốt nghiệp ngành Dân tộc học, Đại học Lomonosov (Liên Xô cũ). Hai năm sau, ông nhận bằng tiến sĩ tại khoa Sử tại đây. Năm 1996, ông được công nhận là giáo sư; được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2008.
Suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy, ông giữ nhiều chức vụ như: Hiệu trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn; Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội); Ủy viên Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam; Phó tổng biên tập kiêm trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển bách khoa Việt Nam...
Ông từng là giáo sư danh dự Đại học Tổng hợp Lomonosov, Đại học Paris VII (Pháp), nguyên Chủ tịch Hội dân tộc học Việt Nam.
Là nhà Nhân học hàng đầu Việt Nam, ông để lại hơn 100 công trình nghiên cứu, tập trung làm rõ các vấn đề: lý luận về tộc người; cộng đồng quốc gia, dân tộc và lý thuyết nhân học; văn hóa các dân tộc Việt Nam; quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới...
Năm 1973, ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình Cơ sở dân tộc học. Ông tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân ngành dân tộc học và sử học; hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ.
Chia sẻ tại lễ mừng sinh nhật 90 tuổi (năm 2018), giáo sư Phan Hữu Dật xúc động nói: "Sinh tôi ra là cha mẹ, làm cho tôi nên người, tạo điều kiện cho tôi phát triển chủ yếu là Đại học Quốc gia Hà Nội, gắn bó với tôi là bộ môn Dân tộc học cho đến khoa Nhân học hôm nay".
Một số sách chuyên khảo của giáo sư Phan Hữu Dật: Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (1992); Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (1994); Văn hóa Thái Việt Nam (viết chung với Cầm Trọng, 1995); Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử (1998); Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998); Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam (2003)...