Không chỉ là giáo viên tâm huyết tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, thầy Nguyễn Thành Nam còn là giáo viên trên kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7. Trong loạt video chương trình Khoa học kỳ thú với chủ đề "Người chết đi đâu?", học sinh sẽ được dẫn dắt vào một thế giới thông tin mới lạ mà gần gũi về sự tồn tại của con người trên trái đất.
Theo chia sẻ từ thầy Nam, sau khi hỏa táng, cơ thể con người sẽ chuyển hóa rất nhanh thành các loại khí và hòa tan vào bầu khí quyển. Nếu chỉ tính riêng khí cácbonic thì mỗi lít không khí ước tính chứa trung bình 5 vạn phân tử khí cácbonic mà lượng các-bon trong đó bắt nguồn từ thân thể của một người.
Với một người bình thường, một lần hít thở sẽ đưa khoảng nửa lít không khí vào trong lồng ngực, như vậy sẽ có khoảng hơn hai vạn phân tử cácbonic mà phần cácbon của nó bắt nguồn từ cơ thể của một người bất kỳ đã chết trước chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng vậy, sau thời điểm bước sang cõi vĩnh hằng, mỗi hơi thở của bất kỳ một người nào trên trái đất này thì cũng có hơn hai vạn nguyên tử cácbon từ thân xác của chính ta đi vào cơ thể họ qua đường hô hấp. Các phân tử khí cácbonnic cũng được cây cối hấp thụ, do đó thân xác của chúng ta sẽ được dệt vào trong mạch cácbon của tất cả sinh vật trên trái đất này, dù ở bất cứ nơi đâu.
Cũng theo thầy Nam, xét về phương diện vật chất, chúng ta luôn tồn tại ở trong mọi người và mọi người luôn tồn tại ngay trong mỗi chúng ta. Có thể chính sự sống giam hãm chúng ta nhiều hơn là cái chết.
Bạn Nguyễn Nhật Minh, học sinh lớp 11 ở Bắc Giang, chia sẻ: "Sự sống phát tán ra khắp vũ trụ. Ở một nơi nào đó, sự sống cũng đang phát triển dưới dạng khác của chúng ta. Môi trường và nhiệt độ có thể rất khác chúng ta. Trước kia em không hề nghĩ gì đến việc tìm hiểu con người sẽ đi về đâu sau khi chết cho đến khi nghe thầy giảng, em đã rất ngạc nhiên và thích thú".
Bài giảng "Người chết sẽ về đâu?" nằm trong chương trình Khoa học kỳ thú của Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn giúp học sinh giải mã được hành trình của con người sau khi chết thông qua kiến thức khoa học. Bên cạnh đó, bằng việc áp dụng những kiến thức THPT, việc lý giải các hiện tượng khoa học trong tự nhiên và đời sống đều trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn.
Thế Đan