1.200 chỉ tiêu cho đợt một năm 2019 của DDH Tài nguyên & Môi trường Hà Nội gồm các chuyên ngành Kế Toán, Kiểm toán - 400 chỉ tiêu; ngành Quản trị kinh doanh 180 chỉ tiêu; ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành 380 chỉ tiêu; ngành Kinh tế Tài nguyên & Môi trường 100 chỉ tiêu; ngành Marketing, Truyền thông Marketing 150 chỉ tiêu.
Để tạo điều kiện cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn nghề nghiệp, nhà trường hỗ trợ thí sinh đăng ký 2 NV1 ở 2 hình thức xét tuyển là học bạ hoặc kết quả thi THPT.
Đại diện nhà trường cho biết, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới. Cụ thể, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. "Số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu", đại diện nhà trường nhấn mạnh.
Trước thách thức này, ĐH Tài nguyên & Môi trường Hà Nội quyết định thay đổi phương thức đào tạo ngành du lịch từ mô hình truyền thống sang mô hình mới theo hướng: sinh viên học đến đâu, đi làm đến đó.
Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải bắt đầu từ chương trình đào tạo. "Trước đây, chúng tôi phân bổ học phần theo hướng từ đại cương đến chuyên sâu, buộc sinh viên phải học xong 4 năm học mới có thể đi làm. Nhưng như vậy, các em sẽ không có điều kiện để mang kiến thức đang học ra thực tiễn cọ sát. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải cấu trúc lại chương trình khung hiện nay theo hướng mỗi học kỳ một kỹ năng", ông nói.
Từ định hướng đó, trường từng bước cải tiến chương trình đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành theo hướng cấu trúc lại các học phần trong chương trình đào tạo theo từng kỳ mang tính chuyên biệt. Điều này thể hiện sự đột phá trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học và đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, các học phần trong năm thứ nhất hướng đến đào tạo "cái cần học" (những học phần theo quy định của bộ giáo dục: kiến thức đại cương). Năm thứ hai đào tạo "cái thích học" (điểm đến du lịch, marketing du lịch, tâm lý khách hàng du lịch...). Sau năm thứ hai, sinh viên đã có kiến thức nền tương đối vững chắc kết hợp với kỳ thực tập đầu tiên giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Năm thứ ba là chương trình đào tạo "cái phải học" (học phần về khách sạn và lữ hành). Học kỳ đầu tiên của năm thứ ba, sinh viên được tiếp cận với hướng chuyên sâu về khách sạn, học xong kỳ này các em hoàn toàn có thể có kiến thức và kỹ năng để trở thành một nhà quản trị khách sạn chuyên nghiệp. Sau khi kết thúc học kỳ thứ hai của năm thứ ba, với hướng chuyên sâu về lữ hành, sinh viên có thể đảm đương nhiều vị trí làm việc tại các công ty lữ hành.
Năm thứ tư là năm nâng cao kỹ năng nghề (học phần về lữ hành như hướng dẫn du lịch, thiết kế và quản lý điều hành chương trình du lịch, thực tập...) giúp các em hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp.
Theo hiệu trưởng nhà trường, việc sắp xếp các học phần chuyên biệt như vậy sẽ tạo được sự tập trung và hứng thú với sinh viên. Đây là phương pháp đào tạo mới mẻ tại Việt Nam, được các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch khuyến khích, đồng thời cũng tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến về du lịch ở trường đại học khác trên thế giới như Anh, Australia và Pháp.
Trên quan điểm đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội luôn chú trọng kết hợp đào tạo lý thuyết trên giảng đường, thông qua việc tổ chức cho sinh viên đi thực hành, thực tập tại nhiều công ty lữ hành và khách sạn như Crowne Plaza, Pan Pacific, Melia, JW Marriott...
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên phối hợp với những đơn vị tuyển dụng uy tín trên cả nước, cũng như kết hợp với các trường đại học danh tiếng khác để tổ chức "Ngày hội việc làm ngành Du lịch Khách sạn" nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận việc làm cũng như hoàn thiện kỹ năng còn thiếu thông qua các buổi phỏng vấn tuyển dụng.
(Nguồn: ĐH Tài nguyên & Môi trường Hà Nội)