Sáng 14/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 với đại diện 63 tỉnh thành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi này là hoạt động chuyên môn, nhưng có tính nhạy cảm rất cao, cần có sự phối hợp giữa ban chỉ đạo thi cấp trung ương và địa phương. Công tác chuẩn bị không được chủ quan bởi một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới toàn quốc.
Ông Nhạ đề nghị các địa phương chọn giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực để làm trưởng điểm thi và cán bộ coi thi. Việc chấm thi sẽ nghiêm túc, có camera giám sát, song vai trò của con người là quan trọng nhất. "Công tác thanh kiểm tra phải thường xuyên. Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, kể cả đảm bảo tinh thần cho thí sinh cũng rất quan trọng", Bộ trưởng nói.
Về đề thi THPT quốc gia năm nay, Bộ trưởng Nhạ cho biết, nội dung nằm chủ yếu chương trình lớp 12, bám sát đề thi tham khảo. Mục đích của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá năng lực người học sau 12 năm, nhưng sẽ "nhẹ nhàng, không gây áp lực".
"Hơn ai hết, mỗi thầy cô là một kênh truyền thông tốt nhất đến với học sinh và phụ huynh họ hiểu kỳ thi không quá nặng nề, tránh tâm lý áp lực và những lo lắng thái quá", ông Nhạ nói.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đại diện các tỉnh thành, đặc biệt là ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình báo cáo công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay.
Từ điểm cầu Sơn La, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch tỉnh cho biết, đã chuẩn bị nghiêm túc cho kỳ thi THPT quốc gia với hơn 17.000 thí sinh dự thi. Ông đề nghị Bộ ấn định số lượng cán bộ coi thi đến từ các đại học, thay vì tỉnh đề xuất, đồng thời Bộ làm rõ trách nhiệm của thanh tra Bộ, thanh tra các trường trong công tác tổ chức thi. "Sơn La năm nay hứa sẽ thực hiện nghiêm túc quy chế kỳ thi THPT quốc gia", ông Thủy nói.
Tại điểm cầu Hà Giang, Phó chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý cho biết ban chỉ đạo thi đã rà soát nhân sự tham gia công tác thi. Những ai liên quan đến sự việc tiêu cực từ năm 2018 sẽ không được điều động. Giáo viên coi thi đảm bảo năng lực, đạo đức nghề nghiệp. "Hà Giang đã rà soát để tổ chức kỳ thi hiệu quả, không để những trường hợp như 2018 xảy ra", ông Quý khẳng định.
Ở Hòa Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Trọng Đắc cho biết tỉnh có gần 9.000 thí sinh dự thi tại 33 điểm thi, công tác chuẩn bị theo quy trình chung cả nước. Tỉnh đã họp ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, thống nhất thực hiện nghiêm túc.
Lãnh đạo nhiều tỉnh thành khác cũng cho biết đang hoàn tất các khâu chuẩn bị, song bày tỏ sự lo ngại vấn đề giao thông, an ninh trật tự cho kỳ thi. Nhiều đại biểu chia sẻ giải pháp xử lý tình huống bất ngờ, sự cố khách quan ảnh hưởng đến thí sinh.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Giáo dục Đại học) đề nghị các trường đại học cử đủ cán bộ đáp ứng yêu cầu, trường nào không bố trí đủ thì các tỉnh báo cáo về Ban chỉ đạo quốc gia. "Tránh tình trạng như năm ngoái, nhiều nơi không bố trí đủ cán bộ coi thi, chấm thi. Cá biệt có trưởng ban chỉ đạo đi công tác trong thời gian này", bà Phụng nói.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học đề nghị Ban chỉ đạo thi các tỉnh hướng dẫn trường trung cấp, cao đẳng sư phạm, đại học thực hiện "điểm sàn" chỉ tiêu sư phạm, tuyển sinh ngành sư phạm đảm bảo chất lượng. Trường đào tạo ngành sức khỏe cũng được lưu ý thực hiện "điểm sàn".
Các tỉnh rà soát nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp, ngành học theo chương trình giáo dục phổ thông mới để làm căn cứ xác định, giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm trong năm sau.
Năm 2017, đề thi THPT quốc gia được đánh giá là dễ nên cả nước có tới 4.235 điểm 10, cao hơn 50 lần so với năm 2016. Điểm chuẩn vào các đại học vì thế rất cao. Một số trường như Học viện An ninh nhân dân tuyển nữ đạt 30,5 điểm; Đại học Phòng cháy chữa cháy tuyển nữ 30,25 điểm và không nhân hệ số. Điều này có nghĩa thí sinh ở khu vực 3 (nội thành các thành phố trực thuộc trung ương), nếu đạt điểm tuyệt đối ở ba môn trên vẫn trượt.
Năm 2018 nhằm tránh "mưa điểm 10", đề thi khó hơn và số lượng điểm 10 chỉ là 477 (chưa trừ số thí sinh gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình). Sau kỳ thi, rất nhiều vấn đề được đặt ra, như: Mục đích chính thi THPT quốc gia là gì; Ai tổ chức thi tốt nghiệp THPT; Ai tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học...
Trả lời tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng vào tháng 9/2018, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định mục đích chính thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp. "Thi THPT quốc gia không thể hiểu thuần túy là kỳ thi 2 trong 1 để ép học sinh thi lấy kết quả xét tuyển đại học. Tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh đề thi về mặt kỹ thuật theo hướng bám sát mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT", ông Nhạ nói.