Tại tọa đàm Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ (ngày 11/10), Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga thừa nhận, có thực trạng người làm luận án kém chất lượng vẫn được cấp bằng tiến sĩ, gây bức xúc trong xã hội. Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, GS.TSKH Trần Văn Nhung cũng cho rằng, đội ngũ tiến sĩ của Việt Nam quá nhiều, nhất là các ngành giáo dục, kinh tế. Tuy vậy, chất lượng tiến sĩ còn chưa tinh, nhiều luận án không có tính khoa học, giá trị thực tế.
Các chuyên gia chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam còn hạn chế: người học chưa xác định chính xác mục tiêu làm nghiên cứu sinh; cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý, chạy theo số lượng; cơ sở vật chất đầu tư chưa thỏa đáng và nguồn lực đầu tư, kinh phí đào tạo quá thấp. Trong đó, lý do về chi phí đào tạo thấp được thảo luận sôi nổi.
"Chưa quốc gia nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam. 15-18 triệu đồng/năm không thể đủ để đào tạo một nghiên cứu sinh bài bản. Tiền nào của nấy, đầu tư như thế thì sao đòi hỏi chất lượng ngang với Mỹ, châu Âu...", GS Nhung nói. Ông phân tích, ở một số ngành như Vật lý, Hóa học, làm nghiên cứu phải gắn liền với thí nghiệm thực hành. Để sáng tạo ra tri thức mới, cần có cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại, nguyên vật liệu...
Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đình Đức, cũng chia sẻ để trở thành đơn vị mạnh về đào tạo tiến sĩ có chất lượng, các thầy, trò của nhà trường đã phải hy sinh rất nhiều vì chi phí được cấp quá thấp. "Tôi rất mong sẽ được tạo điều kiện tối thiểu để xây dựng đội ngũ, trong đó có hỗ trợ nghiên cứu sinh. Chính sách tài chính theo tôi là rất quan trọng, là giải pháp để nâng cao chất lượng. Đồng tiền chi đúng người đúng việc sẽ tốt", GS.TSKH Đức nói.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. |
Ghi nhận những ý kiến của các cơ sở, Thứ trưởng Ga cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ, tháo gỡ khó khăn về đầu tư, kinh phí để ít nhất đủ cho các nghiên cứu sinh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ tiến sĩ, Bộ thắt chặt hơn tiêu chí. Theo đó, nghiên cứu sinh phải có tiêu chí đầu vào cao hơn trước, nhất là ngoại ngữ bởi đây là công cụ cần thiết phục vụ nghiên cứu như: đọc tài liệu quốc tế, trao đổi với đội ngũ nhà khoa học các nước. Quy định ngoại ngữ là chuẩn đầu ra trước đây, theo Thứ trưởng Ga, đã không còn phù hợp.
Các luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học chứa đựng cái mới, đăng trên các tạp chí quốc tế để thế giới cùng bình luận, phản biện. Những người hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng phải có công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận.
"Để thực hiện mọi điều trên, vấn đề quy định kinh phí, chi phí đào tạo nghiên cứu sinh cũng phải nâng lên. Hiện chi phí 15 triệu/năm quá thấp, khó có thể đào tạo nghiên cứu sinh bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, phải có có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải", Thứ trưởng Ga nói.
Quỳnh Trang