Năm 1969, ông Đoàn là học sinh khóa đầu tiên trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Thời ấy, Mỹ đánh phá miền Bắc, các trường học ở Hà Nội phải sơ tán về nông thôn. Trường chuyên ngữ chuyển về làng Thọ Trai, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (gần Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay), được dựng hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa, lá.
Ngôi trường thoáng rộng, nằm gần cánh đồng lúa, khóa đầu tiên đón 108 học sinh từ nhiều tỉnh thành, thường được gọi đùa là "108 anh hùng Lương Sơn Bạc". Trường chỉ có hai lớp học văn hóa là A và B. Lớp A gồm học sinh chuyên tiếng Anh và Trung Quốc, lớp B chuyên Pháp và Nga. Tới khi học ngoại ngữ, học sinh lại được chia thành bốn lớp theo bốn thứ tiếng.
Ông Vũ Xuân Đoàn, cựu học sinh khóa 1 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Ảnh: D.T. |
Là trường chuyên ngữ nhưng vì đất nước có chiến tranh nên cả thầy và trò đều dạy chay, học chay, không tài liệu, không thiết bị nghe nhìn. "Nhưng thầy cô hồi đó giỏi, từng đi học nước ngoài hoặc là người bản địa. Chúng tôi học được ít hơn bây giờ, song học đâu chắc đấy", ông Đoàn nhớ lại và cho biết đến giữa những năm 1980 nhà trường mới có đài cho học sinh nghe.
Không có thiết bị học tập, cũng không có nhiều thứ để chơi, ông Đoàn và các bạn thường ra cánh đồng đùa nghịch. Mùa lúa chín, nhóm nam sinh Hà Nội đi lật gốc rạ tìm bắt cua. "Hồi đó, không có dụng cụ đựng, tôi và mấy bạn tháo giày, nhét ít đất bùn rồi thả cua vào, mang về cho các bạn nữ nấu canh ăn thêm ngoài bữa ăn của nhà bếp", ông Đoàn kể.
Mùa đông, không có nước nóng tắm, đợi những hôm nắng ấm, nam sinh cả trường ra cái ao rộng giữa cánh đồng, nhảy ùm xuống, thụp lặn mấy cái rồi mò lên. Không ai than khổ, thậm chí ông Đoàn còn thích ở trường hơn ở nhà.
Học hai năm ở Thọ Trai, trường chuyển về khu vườn chuối gần vị trí trường THPT Chuyên Ngoại ngữ bây giờ (số 1 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội). Các loại cột kèo lán trại được vận chuyển từ Thọ Trai về. Ông Đoàn cùng cậu bạn tên Thắng nhà gần trường ở lại canh vật liệu xây dựng. Đến lúc xây trường, thầy cô làm khung, nam sinh lợp lá, nữ sinh nhào đất trát tường.
"Xây trường cũng như xây nhà mình vậy, chúng tôi đều mong ngóng một ngôi nhà mới", ông Đoàn, hiện là giảng viên khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Vào trường sau ông Đoàn một năm, bà Trần Thị Lan Anh "vui như hội" khi đỗ vào lớp chuyên tiếng Pháp vì "được học trường tốt, được ở tập thể". Với gia đình bà Lan Anh lúc đó, được theo trường đi sơ tán ở Thọ Trai là việc tốt, giúp bố mẹ yên tâm công tác.
Bà Lan Anh kể hồi đó thầy chỉ hơn trò 5-7 tuổi. Dù chưa lập gia đình, các thầy vẫn biết cách quan tâm học sinh nữ như con em trong nhà. "Có hôm mệt, tôi xin nghỉ. Phòng ngủ lại cạnh phòng học, nếu nằm giường tầng có thể nhìn sang. Người mệt nhưng nghe thấy tiếng giảng bài, tôi lại nhòm sang trêu cả thầy và các bạn. Chúng tôi sống như một gia đình, vô tư lắm", bà Lan Anh nhớ lại.
Khi trường chuyển về Hà Nội, bà Lan Anh cùng các bạn nữ ngồi trộn đất và rơm trát lên những phên tre. Vừa trộn, học trò vừa ném nhau rồi cười phá lên.
Dựng xong trường, học được một thời gian ngắn thì năm 1972 Mỹ ném bom Hà Nội. Một lần nữa, bà Lan Anh phải đi sơ tán. Lần này, điểm đến là xã Hồng Hà (huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ), lớp học tổ chức trong các đình chùa, nhà kho.
Tháng 8/1972, trường lại chuyển về huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên) và năm 1973 mới trở lại Hà Nội. "Quá trình sơ tán không ảnh hưởng nhiều đến việc học mà chỉ khiến thầy trò khăng khít hơn", bà Lan Anh nói.
Cùng học lớp với bà Lan Anh, ông Nguyễn Việt Tiến cho rằng cái được lớn nhất thời trường học sơ tán là tình cảm thầy trò. "Thầy cô không khác gì bố mẹ, chăm sóc từng em một. Buổi trưa, thầy bắt từng em đi ngủ, tối đến lại đi kiểm tra giường chiếu cho các em. Áo quần em nào rách, thầy cô vá lại", ông kể.
Sau này, khi trở thành giảng viên Đại học Ngoại ngữ, ông Tiến luôn lấy hình ảnh thầy cô thời sơ tán để làm gương, nhắc nhở bản thân phải yêu thương học trò như con mình, dạy kiến thức và dạy cả cách đối nhân xử thế.
Ngày 9/11, trở về trường trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, gặp lại hơn 25 bạn học cùng khóa cùng nhiều cựu học sinh các khóa khác, ông Tiến chia sẻ cảm thấy may mắn vì từng được rèn luyện ở ngôi trường này.
"50 năm và kể cả mãi về sau, tôi không thể quên được hình ảnh của những năm học sơ tán. Từ miếng cơm cháy trong bếp ăn tập thể đến hình ảnh thầy giáo trẻ đi giắt từng cái màn tránh muỗi sẽ luôn là một phần trong ký ức vui vẻ của tôi", ông Tiến nói.
Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập năm 1969 với nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi ngoại ngữ trên cơ sở vững vàng các bộ môn văn hóa phổ thông để tiếp tục đào tạo thành cán bộ giỏi ngoại ngữ cho các lĩnh vực văn hóa và kinh tế sau này.
Học sinh sau khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) được tuyển chọn thông qua lý lịch và thi tuyển các môn Toán, Văn, Năng khiếu ngôn ngữ. Do những yêu cầu thời đó, học sinh của trường được coi như cán bộ nhà nước, có học bổng và tem phiếu E, với mức bao cấp 18 kg gạo một tháng.
Từ 108 học sinh đầu tiên học bốn thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung và Nga, đến nay trường đã có 51 lớp với hơn 2.200 học sinh, đào tạo 7 thứ tiếng (thêm Đức, Nhật, Hàn). Là trường trung học duy nhất cả nước cho đến nay chỉ đào tạo ngoại ngữ, Chuyên Ngoại ngữ được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng ba (2014).
Dương Tâm