Tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19) với chủ đề "Digital for Good" (Công nghệ số cho những điều tốt đẹp), mô hình giáo dục trực tuyến được nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam chia sẻ như một minh chứng về việc Internet đã góp phần phát triển giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.
Diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3, VIF19 do Đại Sứ quán Thụy Điển và Ủy ban Nhân dân Hà Nội đăng cai tổ chức thảo luận nhiều đề tài xoay quanh chủ đề Công nghệ số cho những điều tốt đẹp. Tại phiên thảo luận chính đầu tiên trong chiều 20/3, các khách mời chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của Internet và công nghệ số hóa, các câu chuyện truyền cảm hứng về việc Internet đã mang lại điều tốt đẹp tại Việt Nam như thế nào.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Thụy Điển - ông Pereric Hogberg, khẳng định tầm quan trọng của Internet và công nghệ số hóa trong cải thiện đời sống người dân và tạo dựng thương hiệu về tính cạnh tranh của một quốc gia.
Đánh giá về năng lực phát triển Internet tại Việt Nam, ông Hogberg nói: "Việt Nam có thể đạt những thành tựu tương tự Thụy Điển với tốc độ Internet phát triển nhanh chóng hiện nay, đặc biệt là sự phổ biến của các mạng xã hội tại Việt Nam".
Tại diễn đàn VIF19, quyền đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), bà Caitlin Wiesen, nêu bật tầm quan trọng của các doanh nghiệp trẻ khối kỹ thuật trong nỗ lực giải quyết những thách thức lớn mà xã hội đang gặp phải.
Bà Wiesen chia sẻ: "Trên thế giới, chính những người trẻ mong muốn đổi mới sáng tạo là người đã ứng dụng công nghệ mới và mạng Internet trong xây dựng xã hội".
Tham gia phiên thảo luận này, ông Nguyễn Thành Nam – Đồng sáng lập Tập đoàn FPT, Nhà sáng lập FUNiX đã chia sẻ về mô hình Đại học trực tuyến FUNiX. Theo ông, sau 22 năm từ khi Internet xuất hiện tại Việt Nam, giáo dục trở nên dễ dàng hơn. Internet đã tham gia hiệu quả để giải quyết vấn đề giáo dục - với giá thành Việt Nam nhưng chất lượng của Mỹ.
Ông Nam cho biết, mô hình "đại học trên Internet" đã được Giáo sư Mỹ Robert Muller đưa ra cách đây hơn 3 năm, vào ngày 1/12/2015. Giáo sư Muller tuyên bố: "Internet đã phát triển đủ để thành lập ra những trường đại học chất lượng Mỹ, giá cả của các nước thứ 3".
Trường Đại học trực tuyến FUNiX tại Việt Nam - ra đời vào ngày 20/11/2015 - là một mô hình mà Giáo sư Muller đã nhắc đến. Ông Nam cho biết: "Với mô hình rất đơn giản: không có trường lớp, bàn ghế, sinh viên học trên trang lms.funix.edu.vn – trang học liệu của Trường, giáo trình là bài giảng MOOC của giáo sư từ các trường Đại học hàng đầu thế giới, xây dựng phụ đề tiếng Việt và cung cấp trực tuyến, với mức học phí Việt Nam".
Đặc biệt, sinh viên trực tuyến có cơ hội tiếp cận, hỏi đáp 1-1 với các chuyên gia (mentor) trong từng lĩnh vực ngay từ khi bắt đầu - điều mà đa phần sinh viên thường mất nhiều năm học và đi làm mới có thể tiếp xúc nếu học tập theo cách truyền thống.
"Học tại FUNiX, bạn không nhất thiết phải có máy tính, mà thực tế có rất nhiều sinh viên đã sử dụng Internet ở quán cà phê, biến các quán game - với giá truy cập Internet chỉ khoảng 5.000 đồng một giờ - thành nơi học đại học", Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Nam nhắc đến những sinh viên đặc biệt đã nhờ Internet mà thực hiện được giấc mơ giáo dục của mình. Câu chuyện của sinh viên Lò Văn Hưng - thầy giáo Mường Nhé (Điện Biên) vừa cắm bản dạy chữ, vừa học lập trình; hay shipper Cao Dũng Tiến ở Sài Gòn dành khoảng 6 tiếng mỗi ngày để học Lập trình, là hai trong số hàng nghìn trường hợp tại FUNiX chỉ với sự kết nối của Internet có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành lập trình viên.
"Cách học FUNiX cho phép người học ở bất cứ đâu - chỉ cần có Internet, với lựa chọn học tập đa dạng, tính thực hành cao, thời gian học tập rút ngắn và chi phí tiết kiệm", ông Nguyễn Thành Nam khẳng định.
Đánh giá về mô hình đại học trực tuyến FUNiX, Bà Samia Melhem - Digital Lead, World Bank – người điều phối chương trình khẳng định: "FUNiX là một minh chứng rõ nét cho mô hình giáo dục xuất sắc về "Digital for good". Hy vọng sắp tới, FUNiX sẽ nhân rộng mô hình này, đóng góp nhân lực lập trình viên cho thị trường việc làm Việt Nam và thế Giới".
Diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3, VIF19 có sự tham gia của đại diện cơ quan chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, giới học thuật, doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư, kết nối và bàn luận về cách thức Internet có thể đóng góp cho một xã hội tiến bộ và sáng tạo.
Thanh Nga