Áp lực kiến thức trong thời đại công nghệ
Chương trình giảng dạy cao cấp trong thời kỳ Victoria (thế kỷ 19) từng đơn giản hơn rất nhiều so với nội dung học bình thường của học sinh hiện nay. Nội dung học gồm môn tiếng Latinh, toán, địa lý và lịch sử với những kiến thức cơ bản.
Với môn khoa học, sự khác biệt giữa những gì có thể học được ở đầu thế kỷ 19 với những gì chúng ta học về khoa học ngày nay có thể khiến ta choáng váng. Sinh vật học từng chỉ dạy về thuyết tiến hóa, và vật lý học chỉ dạy theo thuyết Newton. Ngày nay, chúng ta học về thế giới gen và vật lý lượng tử như những kiến thức phổ thông.
Các chuyên gia công nhận rằng thời đại này sẽ yêu cầu ở chúng ta một bộ kỹ năng, kiến thức, năng lực đặc thù rất khác biệt. Nhưng, chính họ cũng không thể chắc chắn chúng sẽ là gì trong tương lai. Việc lên kế hoạch giáo dục mơ hồ là không thể tránh khỏi.
Một yếu tố đã góp phần cho sự quá tải thông tin này chính là công nghệ. Những khám phá mới về khoa học, công nghệ đang tạo nên những thay đổi liên tục về kiến thức.
Nhưng nếu nhìn nhận từ mặt khác, công nghệ cũng giúp ta hiểu được những thông tin đang ngày càng quá tải đó một cách dễ dàng hơn, để từ đó thiết kế được những kế hoạch giáo dục rõ ràng.
Một ví dụ là công nghệ máy tính. Kiến thức cần có để lấy một tấm bằng đại học về công nghệ máy tính đã rất khác so với năm 1980. Nhưng nhờ chính nó, con người đã tạo ra một trong những ứng dụng lớn nhất của công nghệ hiện nay - trí thông minh nhân tạo (AI). Những cỗ máy AI đang có khả năng lưu trữ và phục hồi thông tin vượt xa khả năng của con người. Những AI này tiếp tục "học" ngày học đêm, liên tục tiêu hóa những thông tin mới và ngày càng tăng khả năng trả lời câu hỏi và giải quyết vấn đề.
Những thay đổi này sẽ buộc con người phải định nghĩa lại khái niệm về trí thông minh. Ở tương lai, trí thông minh là một khái niệm hoàn toàn khác biệt. Thay vì chỉ bị bó hẹp trong kiến thức hàn lâm hoặc các bài kiểm tra IQ, trí thông minh sẽ được coi là một mạng lưới tổng hợp gồm cả người và AI làm việc tương trợ nhau.
Chúng ta có thể tận dụng những công nghệ và sự tiến bộ trên làm công cụ giáo dục và hỗ trợ cho những kế hoạch giáo dục trong tương lai.
Tận dụng công nghệ cho giáo dục tương lai
Khi trí thông minh không còn là khái niệm cũ, và AI tương trợ cho con người, giáo dục đại học sẽ thay đổi rất nhiều. Các viện hàn lâm sẽ dùng AI như cơ sở vật chất để hỗ trợ cho sự tiến hóa của trí thông minh mới này. Họ sẽ phát triển các hệ thống AI tinh vi, phức tạp, giúp ta định hình một thế giới mới.
Hàng loạt công nghệ khác nhau đã xuất hiện trên thị trường giáo dục, như tai nghe tương tác thực tế, mô phỏng thực tế ảo, trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói, và hệ thống gia sư cá nhân hóa. Những công nghệ này giúp chúng ta đánh giá học sinh chính xác, hỗ trợ giáo viên hiệu quả.
Nhiều dự án sẽ được phát triển: cung cấp chương trình học cá nhân hóa cho từng học sinh, phản hồi chi tiết cho giáo viên, giúp giáo viên kết nối sinh viên với mạng lưới rộng lớn ngoài trường học...
Trong tương lai, AI có thể hỗ trợ giáo viên bằng nhiều phương pháp khác nhau. AI thu thập vô số nguồn dữ liệu từ khuôn viên trường học, mạng xã hội và từ tương tác trực tuyến của học sinh... Nhờ đó, ở bất kỳ thời điểm nào, giáo viên có thể tìm hiểu được bất cứ sinh viên nào, cụ thể về kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, tư duy phê phán và tính tự giác...
Những dữ liệu này có thể được phân tích tổng thể, chi tiết, so sánh với dữ liệu mới nhất về những gì thị trường lao động cần. Nó khác xa các bài kiểm tra, báo cáo thí nghiệm, và các bài luận văn từ ngày xưa, cái có thể bị chép theo hoặc "ăn cắp".
Từ việc khai thác dữ liệu và khả năng phân tích của trợ lý AI, giáo viên có thể thiết kế từng chương trình giáo dục khác nhau cho mỗi học sinh của mình.
Đương nhiên, những dự án AI hỗ trợ giáo dục như thế rất tốt, nhưng cũng rất đắt đỏ. Điều này khiến học sinh từ các nước kém phát triển sẽ chịu bất lợi và có nguy cơ ngày càng bị tụt lại phía sau. Để khắc phục yêu cầu sự nỗ lực và đầu tư không nhỏ.
Chúng ta đã tạo nên một công nghệ có thể đem giáo dục đến tới tất cả mọi người. Nếu muốn biến nó thành tương lai, chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta dùng công nghệ để giúp bản thân hiểu hơn với tư cách là một học viên, từ đó trở nên thông minh hơn cùng với bạn học, cả nhân tạo lẫn con người.
Lê Phượng (theo Quartz)