Karen Cator, cựu giám đốc Văn phòng Giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ, người luôn đi đầu trong học tập kỹ thuật số đã chia sẻ các quan điểm về giáo dục tương lai trên trang công nghệ giáo dục EdSurge. Cator hiện là giám đốc điều hành của Digital Promise.
Kỹ năng mới là yêu cầu bắt buộc
Theo Karen Cator, sự phát triển của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai. Sản xuất tiên tiến và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực mà tự động hóa đang dần chiếm ưu thế. Bà cho biết, trí tuệ nhân tạo với khả năng chẩn đoán tốt hơn đang giúp các bác sĩ hiểu những gì đang xảy ra và xâu chuỗi chúng lại với nhau. Đó là việc mà con người có thể không tự mình làm được.
Tuy vậy, Cator nhận định, một cỗ máy không thể đưa ra những kết quả với sự đồng cảm. Đồng cảm là thứ duy nhất của con người và không lo ngại bị máy móc lấn át.
Theo dự báo, vào năm 2030, khi các học sinh mẫu giáo hiện tại tốt nghiệp trung học, tự động hóa sẽ loại bỏ nhiều con đường sự nghiệp hiện có. Các loại kỹ năng mà con người cần cũng đang thay đổi. Cator chia sẻ: "Vào những năm 90, chúng ta suy nghĩ về kỹ năng nên có ở thế kỷ 21 như tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, giao tiếp, cộng tác, sáng tạo, đổi mới, thu nhận tài chính. Đến thời điểm này, đó thực sự là kỹ năng bắt buộc".
Sự thay đổi về phương pháp giáo dục
Cator cho rằng vấn đề cần quan tâm là các công việc tương lai cần được giáo dục với phương pháp khác. Đó là thách thức của các nhà giáo dục, khi chúng ta yêu cầu họ phải làm khác với trải nghiệm học tập của chính họ.
"Giáo viên trải qua bậc phổ thông, đại học và giờ đứng lớp với tư cách là một nhà giáo. Họ cảm nhận được làm giáo viên là như thế nào. Sự chuyển đổi theo những đòi hỏi của thời đại mới bắt buộc họ phải làm thứ bản thân không có kinh nghiệm", Karen Cator nhận định.
Theo bà, phát triển một đội ngũ huấn luyện - những người có thể làm việc với giáo viên trong lớp học, sẵn sàng kết hợp cùng giáo viên nếu họ muốn thử một công nghệ mới, có thể là một cơ hội lớn để giải quyết vấn đề trên.
Bên cạnh đó, công nghệ truyền thông cũng hỗ trợ việc giáo dục trong tương lai. Mạng internet giúp mọi người truy cập và sử dụng những nguồn giáo dục mở. Đồng thời, nó cũng giúp mọi người kết nối trực tuyến với cộng đồng, các chuyên gia, những người có thể huấn luyện giáo viên thông qua giai đoạn chuyển tiếp này.
Đổi mới toàn diện để mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh
Một mối lo lắng khác là công nghệ hiện nay có thể sẽ tiếp tục gây bất lợi cho các sinh viên đang yếu thế. Cator nhận định, làm thế nào để đảm bảo tất cả người học, đặc biệt những học sinh yếu thế, có cơ hội học tập tốt nhất và ngang bằng những bạn có điều kiện tốt hơn là điều các nhà giáo dục phải quan tâm.
"Việc chúng ta phải làm là đưa ra phương pháp giúp những học sinh yếu thế có cơ hội học tập này. Đảm bảo rằng các trường học hoàn toàn được phủ sóng, học sinh có đầy đủ thiết bị mà họ có thể sử dụng bên trong và ngoài trường để làm bài tập ở nhà, nghiên cứu. Bài tập của họ đều lớn và hấp dẫn như những sinh viên khác. Việc tất cả học sinh đều có thể tiếp cận với các cơ hội học tập phong phú này là điều bắt buộc, bởi họ cũng mang triển vọng lớn cho một tương lai sáng lạn", Cator chia sẻ.
Theo bà, để hiện thực hóa được điều này, cần nghĩ đến "sự đổi mới toàn diện". Trong đó có sự thay đổi về nhận thức. Bà cho rằng, nhiều phát kiến công nghệ mới khi đưa ra chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm người nhất định. Đổi mới toàn diện phải giải quyết những vấn đề từ chính nhóm người này.
"Những đứa trẻ vô gia cư đến trường, những học sinh khác có thể không nghĩ đến sự thật là bạn học của chúng thực sự cần một nơi để giặt quần áo, hơn bất kỳ giải pháp giáo dục nào khác". Karen Cator cho biết. Giải quyết thực tế nhận thức đó cũng là một sự đổi mới toàn diện mà các nhà giáo dục cần làm.
Lê Phượng (Theo EdSurge)