Ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với hơn 300 đại học.
Đánh giá tốt kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, song một số đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại việc có cần thiết tổ chức kỳ thi theo cách hiện nay. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, cho rằng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thi cử cần thay đổi để xã hội không tốn quá nhiều công sức, thời gian.
Kỳ thi THPT quốc gia hiện có ba mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT, hỗ trợ việc xét tuyển đại học; cung cấp số liệu đánh giá chất lượng giáo dục cho các địa phương. Gần như thông lệ, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm luôn trên 90%, địa phương thấp cũng trên 80%. TS Tùng đề xuất thay đổi cách thức thi THPT quốc gia, không cần tổ chức đại trà cho toàn bộ thí sinh mà chỉ cần cho 30% học sinh có học lực yếu ở mỗi địa phương. Số còn lại, Bộ ủy quyền để địa phương xét tốt nghiệp.
"Tất nhiên sẽ có quan điểm không thi thì học sinh không chịu học, nhưng để rơi vào nhóm 70% cũng là động cơ khiến các em phải học. Khi có em thi, em không phải thi sẽ là áp lực để xã hội giám sát việc dạy học, thi cử", ông Tùng nói và cho rằng kết quả của nhóm 30% đủ để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước (94,06%, giảm 3,51%), có tỉnh chỉ đạt 70%, dần phản ánh thực chất. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ tuyển sinh mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện. Phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ sau đó nghiên cứu để có lộ trình cho những năm tiếp theo.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, kết quả môn Lịch sử và tiếng Anh "chưa thể chấp nhận", cần được phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau. Trên cơ sở kết quả phân tích phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này Bộ sẽ tổ chức hội nghị giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo để bàn kỹ hơn vấn đề này.
Tại hội nghị, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nói áp lực với các đại học hiện nay là gọi bao nhiêu chỉ tiêu là vừa, gọi đủ hay gọi dư. "Gọi vừa đủ, sinh viên nhập học không đủ thì không đủ tiền để nuôi quân, nhưng gọi vượt mà lỡ vào dư thì lại phạm quy định của Bộ", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng nêu thực tế hiện có nhiều phương thức tuyển sinh được các đại học đưa ra như tuyển thẳng, xét học bạ, điểm thi THPT quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Được Luật Giáo dục đại học cho phép, nhưng sự đa dạng này khiến việc tuyển sinh trở nên phức tạp, tăng thí sinh ảo.
Nói rõ hơn các quy định về tuyển sinh đại học thời gian tới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, thí sinh nhập học của các trường trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Đây là kênh thông tin để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với các trường.
Cơ sở giáo dục nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Ngoài ra, hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh, những người liên quan sẽ bị xử lý.
Về tuyển sinh ngành sư phạm, các trường tham mưu với UBND các tỉnh, thành nhu cầu đào tạo giáo viên, đồng thời tư vấn giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo về chỉ tiêu, điểm sàn sư phạm và những giải pháp thu hút thí sinh giỏi.
Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm; gần 234.000 em chỉ dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp.
Kết quả 70% số bài thi Lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3, thấp nhất trong 9 môn thi. Ở môn tiếng Anh, với hơn 789.000 thí sinh dự thi, 68% dưới điểm 5. Điểm trung bình môn này là 4,36.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước năm nay là 94,06%, giảm 3,51% so với năm ngoái.
Mạnh Tùng - Dương Tâm