Trong khi đó Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,76, Malayssia 5,59. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10. Các số liệu này được bà Chung Ngọc Quế Chi (Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP HCM) nêu ra trong tham luận gửi tới diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", tổ chức ngày 15-16/11 tại Hà Nội.
Còn theo khảo sát của Ngân hàng thế giới và Viện Nghiên cứu quản lý trung ương với sự tham gia của 350 công ty thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận, 66% người sử dụng lao động nước ngoài và 36% doanh nghiệp trong nước không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam.
"Thực trạng này cho thấy bài toán về chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn đối với Việt Nam", bà Chi nêu, đồng thời nhận định đội ngũ nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong tình trạng vừa yếu lại vừa thiếu, có nhiều hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, công nghệ.
Nguyên nhân theo bà Chi là khoảng cách quá lớn giữa giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cải thiện chương trình đào tạo hơn để bắt kịp xu thế, tăng cường kết nối với doanh nghiệp; cần có tiếng nói chung nhằm tăng cường mối quan hệ bền vững và hiệu quả giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại diễn đàn sáng 16/11, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết trong quá trình soạn thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, chất lượng nguồn nhân lực là nội dung được Đảng quan tâm.
Theo ông Bình, quốc gia này hơn quốc gia khác không phải ở chỗ có quy mô GDP thế nào, thu nhập bình quân đầu người ra sao mà quan trọng là tiềm năng phát triển của đất nước ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, Việt Nam cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, có nhận thức đúng về vị trí, vai trò chất lượng nguồn nhân lực mới có chuyển biến trong hành động. "Có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta không ngại bất cứ mục tiêu nào", ông Bình nói.
Nhấn mạnh yếu tố chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra thực trạng nhiều người lao động đi học nhưng không có kỹ năng. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa đồng bộ, "như chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ".
Thủ tướng cho rằng để phát triển năng lực của nguồn nhân lực trong thời gian tới cần đảm bảo ba nguyên tắc. Một là bám sát hơn nhu cầu thực tiễn trong thị trường, đảm bảo hài hòa cung - cầu lao động có kỹ năng nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thông qua các cơ chế chính sách, ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Hai là phát triển đào tạo nghề có chuẩn mực, chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm sao để học viên có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phù hợp với thách thức hội nhập.
Ba là đặc biệt nâng cao tính dự báo. Việc nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới là cần thiết để giúp định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. "Đừng đào tạo thứ người ta không cần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về sự gắn kết ba bên Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình này và cần đẩy mạnh hơn nữa. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có có cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực nghề nghiệp trọng điểm để gắn kết nội dung, chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp phải tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập và tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường làm nhiệm vụ tập trung tạo điều kiện cho các giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp, quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy, các trang thiết bị học tập, thực hành. Chính phủ đưa ra một số chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của xã hội, các gia đình, học sinh, doanh nghiệp và tổ chức xã hội về vai trò của nguồn nhân lực có kỹ năng, lành nghề. "Kỹ năng rất quan trọng. Dù robot có phát triển, nếu có kỹ năng thì lao động không bao giờ thừa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dương Tâm