Cao 1,77 m, nặng hơn 70 kg, khuôn mặt hiền lành, Nguyễn Cảnh Hoàng luôn nở nụ cười khi nhận lời chúc mừng sau thành tích giành huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế (IMO). Hoàng kể suốt 540 phút làm bài thi trong 2 ngày, em luôn giữ tâm lý tốt, bởi không quá nặng nề về huy chương hay thứ hạng.
Cả phòng thi có khoảng 600 người. Thí sinh có thể chuẩn bị đồ ăn, nước uống, đi vệ sinh cá nhân trong thời gian làm bài. “Đề thi có sáu bài thì em làm được bài 1; 2; 4 và 5. Trong đó bài 2 và 5 mỗi bài phải giải liên tục hơn 3 giờ mới xong. Riêng bài 3 và 6 em chưa làm đến vì không còn thời gian”, Hoàng nhớ lại.
Nguyễn Cảnh Hoàng chia sẻ.
Thi xong, Hoàng tự chấm được 28 điểm nhưng chưa dám chắc là có huy chương vàng bởi không biết thí sinh khác làm bài như thế nào. Rạng sáng 22/7, khi nhận được kết quả từ Hội đồng quốc tế phê duyệt chấm thi Olympic Toán, biết mình là một trong số bốn người giành huy chương vàng, em đã không cầm được nước mắt. Nam sinh vội báo tin cho mẹ ở quê nhà “Mẹ ơi! Con có vàng rồi!”...
Tự nhận mình không có bí quyết đặc biệt trong học tập, "chàng trai vàng" kể mỗi buổi sáng thức giấc đều tập thể dục, ăn sáng rồi đạp xe từ nhà tới trường. Chiều về, rỗi thì em đá bóng cùng nhóm bạn, chơi thể thao, giúp bố mẹ nấu ăn. Buổi tối em chỉ học tới 24h.
Với Hoàng, môn Toán có sức cuốn hút kỳ lạ, mỗi khi bỏ công sức tìm hiểu, giải được bài Toán khó thì lại nhận thấy một điều thú vị ẩn sâu trong đó. Để góp mặt trong đội tuyển tham dự IMO, Hoàng đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ tư trong tổng số 49 thí sinh tham dự kỳ tuyển chọn đội tuyển quốc tế, được tổ chức tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 3.
Cậu xa gia đình, ra Hà Nội cùng đồng đội ôn luyện liên tục trong hơn hai tháng. “Em có thể học liên tục, hoặc làm bài trong nhiều giờ mà sức khỏe vẫn thấy bình thường”, Hoàng bật mí.
Đưa đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự IMO tại Brazil, thầy Hồ Sỹ Hùng, giáo viên Toán trường chuyên Phan Bội Châu, đánh giá học trò có "tư duy bền". "Hoàng vừa bền trong tư duy, vừa bền về sức khoẻ. Tôi ví em như vận động viên marathon trong học tập. Vì có nhiều học sinh giỏi, tư duy tốt, song tư duy bền thì ít, trong khi Toán cần tư duy bền, làm bài khó cần thời gian dài", thầy Hùng lý giải.
Theo thầy Hùng, cùng với tư duy bền thì phải có sức khoẻ tốt song hành. Bởi nếu sức khoẻ không tốt thì không thể làm bài thi kéo dài nhiều giờ cùng với khối lượng kiến thức đồ sộ. Hoàng có đủ cả hai yếu tố này.
Tự hào về con trai, vợ chồng bà Trần Thị Việt Hà và ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, là con út (chị gái đang học ngành Y), Hoàng có tính tự giác nên từ nhỏ rất ít khi bố mẹ phải nhắc nhở hay quản thúc về giờ giấc. Ông bà luôn tạo tâm lý thoải mái để con tự do học tập. “Trước lúc con lên đường dự thi, tôi chỉ nhắn nhủ con bình tĩnh để làm bài tốt nhất, đừng bị áp lực về thành tích”, ông Cường nói.
Nói về tương lai, Hoàng tâm sự chặng đường phía trước còn rất dài. Trước mắt em đang cố gắng nâng cao trình độ tiếng Anh để có thể du học. “Về lâu dài em vẫn muốn quay về Việt Nam để cống hiến trí tuệ cho quê nhà, cũng là để chăm sóc bố mẹ”, chàng trai chia sẻ.
Cuộc thi Olympic Toán quốc tế diễn ra từ 12 đến 23/7 tại Brazil với 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. 6 thí sinh Việt Nam đều giành huy chương, trong đó em Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu được 35 điểm) giành huy chương vàng. Huy cùng 2 thí sinh khác (một của Iran và một của Nhật) có điểm số cá nhân cao nhất IMO 2017. Chủ nhân ba chiếc huy chương vàng còn lại là các em Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá), Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) và Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh). Em Phạm Nam Khánh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội - 21 điểm) giành huy chương bạc và Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc - 18 điểm) giành huy chương đồng. Với thành tích này, đoàn Việt Nam xếp hạng thứ ba thế giới, sau Hàn Quốc và Trung Quốc. |