GS Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại xã Sơn Tân (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau khi đỗ thành chung, ông học Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp tú tài toàn phần ban Triết học văn chương.
Sau năm 1954, ông Đinh Xuân Lâm được chuyển thẳng lên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Văn khoa, đồng môn với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong số bạn học, ông được thầy Trần Văn Giàu quý nhất. Ông cùng Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê đỗ "tam khôi" khóa 1956. Cả ba được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Dưới sự dìu dắt của GS Trần Văn Giàu, ông ở lại Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), góp tên vào các công trình lớn như: Lịch sử Việt Nam 1897-1914 (1957), Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (1958), Lịch sử Việt Nam cận đại (1959-1961)…
GS Đinh Xuân Lâm đã viết và đứng tên hơn 370 bài báo, 7 đề tài nghiên cứu khoa học và 90 đầu sách. Ông đặc biệt có duyên với loại sách giáo khoa phổ thông, từ điển... Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 1980 và giáo sư năm 1984, ngành Sử học. Năm 1988, GS Đinh Xuân Lâm được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của ngành giáo dục.
Cùng với GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm đã tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại.
Xuân Hoa