Peter Mokaya Tabichi, giáo viên người Kenya (miền đông châu Phi) đã trở thành anh hùng dân tộc sau khi giành giải Giáo viên toàn cầu 2019. Những ngày qua, cộng đồng Internet liên tục đồn đoán về việc thầy giáo 36 tuổi sẽ sử dụng khoản tiền thưởng trị giá một triệu USD như thế nào.
Chiều thứ tư, trở về nước sau khi tham dự lễ trao giải ở Dubai, Tabichi nói với các phóng viên tại sân bay rằng anh muốn sử dụng một phần tiền thưởng để nâng cao chất lượng giáo dục ở trường trung học cơ sở Keriko (làng Pwani, thung lũng Rift) và đầu tư cho một số dự án khác nhằm phục vụ cộng đồng địa phương.

Khoảnh khắc thầy Tabichi lên nhận giải Giáo viên toàn cầu 2019. Ảnh: The Standard
"Trước tiên, tôi muốn cung cấp nước cho ngôi trường mà tôi dạy học, vì ở đó hiện chưa có nước sạch. Tôi cũng muốn trang bị những cơ sở vật chất cần thiết như phòng máy vi tính và phòng thí nghiệm khoa học với mạng Internet đầy đủ", anh nói.
Thầy giáo 36 tuổi hiểu rằng bản thân không thể giải quyết hết mọi vấn đề trên cả nước, nhưng anh sẽ cố gắng mang lại tác động tích cực từ làng quê của mình với các chương trình nông nghiệp thiết thực. Để bắt đầu, anh sẽ thúc đẩy mô hình vườn rau sạch và trồng thêm các loại cây chịu hạn.
Trước đó, Tabichi được thế giới ngưỡng mộ nhờ sự cống hiến phi thường cho ngôi trường thiếu cơ sở vật chất và quá tải. Anh đã dành 80% thu nhập để giúp học sinh nghèo mua đồng phục và sách vở, đồng thời quyên góp cho những dự án vì cộng đồng.
Thầy giáo Vật lý và Toán học đã thay đổi cuộc sống của học sinh bằng nhiều cách, bao gồm thành lập "câu lạc bộ nuôi dưỡng tài năng", phát triển câu lạc bộ khoa học, thúc đẩy hòa bình giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo.
Tổ chức Varkey Foundation, đơn vị thành lập giải thưởng Giáo viên Toàn cầu từ năm 2014, đánh giá cao tinh thần cống hiến, sự chăm chỉ và niềm tin mãnh liệt vào học sinh của Tabichi.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất là học sinh của anh đã phát minh ra thiết bị cho phép người mù và điếc có thể đo các vật thể. Dự án này giành giải nhất tại Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Kenya 2018. Học sinh trường Keriko cũng giành một giải thưởng danh giá khác từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia (Vương quốc Anh) sau khi khai thác sự sống của thực vật ở địa phương để tạo ra nguồn điện.

Tabichi trong vòng vây học sinh khi trở về nước. Ảnh: Moses Muoki
Tối thứ tư, khi xuất hiện trên show truyền hình trực tiếp Jeff Koinange của kênh Citizen TV, Tabichi tiết lộ anh được truyền cảm hứng nộp hồ sơ xét giải Giáo viên Toàn cầu từ Wangari Maathai, nhà bảo vệ môi trường quá cố người Kenya, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2004. Bà được toàn thế giới công nhận trong những ngày còn sống và cả sau khi đã mất.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, Tabichi thể hiện quan điểm không đặt giải thưởng làm mục tiêu. Anh chỉ đơn thuần muốn tham gia, trải nghiệm và khám phá, không hề nghĩ mình sẽ được vinh danh là giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2019.
Bố Tabichi, ông Lawrence Tabichi (67 tuổi) từng là giáo viên. Phong cách giảng dạy của ông là nghiêm khắc nhưng rất nhiệt tình ngay cả khi về già. Đó là tấm gương gần nhất mà Tabichi có thể quan sát và học tập.
Trong chương trình, Lawrence thể hiện niềm tự hào dành cho con trai. Ông nói Tabichi đã đạt được điều bản thân chưa từng nghĩ đến. Trong số 10 cá nhân vào chung kết, Tabichi là giáo viên duy nhất người châu Phi.
Tuy nhận thấy tố chất tài năng của Tabichi từ 7 tuổi, Lawrence từng có lúc nghĩ con trai sẽ trở thành thợ điện trong tương lai, bởi khả năng sửa chữa đồ điện tử của Tabichi rất ấn tượng khi ở tuổi thiếu niên.