Sáng 27/2, Ban giám hiệu trường THCS Minh Đức (quận 3) họp với giáo viên chủ nhiệm và tổ văn phòng, chuẩn bị đón 450 học sinh khối 9 đi học trở lại từ ngày 2/3. Trường thực hiện theo phương án dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM là cho học sinh lớp 9 và 12 bậc THCS, THPT (kể cả giáo dục thường xuyên) đi học từ ngày 2/3, nhưng không học buổi thứ hai và bán trú.
Hiệu trưởng Trần Thúy An cho biết, nhà trường đã sắm thêm máy đo thân nhiệt, nhân viên y tế tập huấn cho cán bộ, giáo viên cách phòng tránh Covid-19, cách theo dõi học sinh có biểu hiện bệnh. Trường sẽ phát phiếu khảo sát cho học sinh để nắm thông tin những em đi qua vùng dịch hoặc quốc gia đang có dịch. Giáo viên chủ nhiệm trước đó đã khảo sát phụ huynh để báo cáo lên quận.
Nữ hiệu trưởng tán thành phương án cho học sinh lớp 9 đi học trước, nhằm giảm bớt áp lực cho nhà trường khi học sinh trở lại sau kỳ nghỉ dài tránh dịch. Nếu đồng loạt gần 2.000 học sinh các khối đi học cùng lúc, công việc sẽ khó khăn hơn. "Chúng tôi tự tin đón các em đi học lại", bà An nói.
Công tác chuẩn bị đón học sinh ở các trường được thực hiện liên tục gần một tháng nay. Xà bông, nước rửa tay khô được sắm đủ, nhưng khẩu trang thiếu. Bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) cho biết, từ sau Tết đã mua lượng lớn khẩu trang, đủ dùng cho hơn 900 học sinh ngày đầu đi học. Tuy nhiên, những ngày sau đó thì rất khó khăn, nhà trường không thể tìm được nguồn cung ứng.
Một trường THCS ở quận Bình Tân cũng không thể tìm được nơi bán khẩu trang để chuẩn bị cho gần 2.000 học sinh trở lại. Hiệu trường trường này cho rằng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, học sinh không nhất thiết phải đeo khẩu trang trong lớp học, nhưng nếu có sẽ tạo tâm lý tốt hơn.
Tại Hà Nội, tất cả quận, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3 như thông báo của Chủ tịch UBND thành phố. Giáp Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây kiểm soát chặt chẽ sức khỏe của học sinh bằng cách thường xuyên kết nối với phụ huynh trong suốt thời gian nghỉ.
Ông Nguyễn Thế Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây, thông tin từ ngày 2 đến 14/2, thị xã có một phụ huynh đi từ Vũ Hán - tâm Covid-19 ở Trung Quốc về. "Chúng tôi đã phối hợp với y tế địa phương để cách ly. Đến nay, sức khỏe của tất cả học sinh toàn thị xã bình thường", ông Đại nói.
Có nhiều học sinh là người Vĩnh Phúc theo học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh phối hợp với Trung tâm Y tế tham mưu UBND huyện mua 6.800 chai nước rửa tay khô, 1.360 nhiệt kế điện tử đảm bảo mỗi lớp có một chiếc để kiểm tra thân nhiệt học sinh ngày hai lần. Các giáo viên cũng được tập huấn nhiều lần để nhận biết dấu hiệu của bệnh.
Dù Văn phòng Chính phủ đề xuất cho học sinh mầm non nghỉ thêm hai tuần, trường Mẫu giáo Việt - Triều Hữu nghị (quận Đống Đa) đã sẵn sàng đón trẻ trở lại. Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Hà cho biết 17 lớp học và các phòng chức năng đều có nước rửa tay, khẩu trang, nhiệt kế. Hiện trường mới có nhiệt kế thường, đang đặt mua nhiệt kế điện tử. Nhà trường đặt may 200 khẩu trang vải phát cho mỗi cán bộ, giáo viên hai chiếc, đeo và giặt hàng ngày.
Trường Việt - Triều đã nhiều lần tập huấn cho giáo viên về công tác phòng dịch. "Sáng 27/2, chúng tôi mời chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về giảng cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên về Covid-19 và cách nhận biết, phòng chống", cô Hà nói. Nhà trường cũng chuẩn bị tờ rơi tuyên truyền về Covid-19 dán ở cổng trường, cửa lớp học, giúp phụ huynh dễ dàng quan sát và nâng cao nhận thức.
Để hạn chế tập trung đông người, trường Việt - Triều lên kế hoạch phân bổ thời gian hoạt động ngoài trời của học sinh. Theo cô Hà, trẻ mầm non hoạt động ngoài trời nhiều, không thể để các cháu cả ngày trong lớp học. Với 17 lớp và có ba sân chơi, trường sẽ bố trí các khối lớp hoạt động lệch giờ nhau ở các sân chơi, tránh để học sinh nhiều lớp tiếp xúc với nhau cùng lúc.
Hoạt động ăn bán trú diễn ra tại lớp học như thường lệ. Nhà trường sẽ chú trọng bổ sung nhiều loại thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ. Riêng hoạt động đưa đón, do đặc thù là trường mầm non, phụ huynh đến đón trẻ vào những giờ khác nhau chứ không tập trung chờ đợi ở cổng trường như khối tiểu học nên trường không phải phân bố lại khu vực chờ đón con.
Vĩnh Phúc, địa phương có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất, cũng sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào ngày 2/3 dù ngành giáo dục vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh. Tất cả trường học đã được phun thuốc khử trùng dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Y tế. Các trường huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, lau dọn lớp học, bàn ghế hàng ngày. Các lớp học có nước rửa tay, cốc giấy để học sinh sử dụng.
Ông Phạm Khương Duy, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, thông tin trong suốt gần một tháng nghỉ do Covid-19, Sở luôn yêu cầu các trường phối hợp với phụ huynh và cơ sở y tế địa phương quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm, nghi nhiễm. Các trường có bảng theo dõi, báo cáo hàng ngày.
"Chúng tôi cũng yêu cầu các trường mua nhiệt kế điện tử để đo, kiểm tra nhanh thân nhiệt học sinh khi đến trường cũng như yêu cầu phụ huynh chủ động đo thân nhiệt cho con lúc ở nhà. Cháu nào có biểu hiện sốt (trên 37,5 độ C) hoặc bị hạ thân nhiệt (dưới 35,5 độ) thì cho nghỉ học để theo dõi", ông Duy nói.
Với huyện Bình Xuyên, nơi được coi là tâm dịch, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh và cách phòng chống đến học sinh, phụ huynh, giáo viên. Những ngày qua, ngành giáo dục huyện tiếp nhận 30.000 khẩu trang vải, 22.500 khẩu trang y tế, 1.000 lít nước sát khuẩn, 3.300 chai nước sát khuẩn khô từ các tổ chức, cá nhân. Số vật phẩm y tế này được chuyển đến các nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại.
Những học sinh sau 16 ngày cách ly tập trung ở trung tâm y tế huyện, hiện sức khỏe đã ổn định và đã được về với gia đình. Theo kế hoạch, đến ngày 3/3, toàn bộ học sinh thuộc diện cách ly sẽ được về.
Sau 7-16 ngày nghỉ Tết Canh Tý, hơn 22 triệu học sinh cả nước đã nghỉ một tháng, đến hết 1/3 để phòng Covid-19. Chiều 22/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3, điều chỉnh các mốc thời gian năm học muộn hơn một tháng so với mọi năm.
Riêng TP HCM ngày 20/2 kiến nghị cho học sinh cả nước hết tháng 3. Đến ngày 25/2, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố lại đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ ngày 2/3; tất cả học sinh THCS, THPT, trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 5 trở lại trường ngày 16/3. Các lớp còn lại của cấp mầm non và tiểu học sẽ có thông báo sau tùy theo tình hình dịch bệnh.
Tại cuộc họp sáng 27/2, đề cập việc đi học của học sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh thành xem xét trong khung chương trình mà Bộ đã công bố để "xử lý vấn đề một cách tốt nhất".
Đến hôm nay, 16 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Việt Nam đã khỏi bệnh và xuất viện; 14 ngày qua cả nước không ghi nhận thêm ca nào mới.
Dương Tâm - Mạnh Tùng