"I drink milk everyday", Thiên Vương trả lời tự tin, trong lúc nhiều em khác xin có ý kiến khác. Bài học về chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết trong cuộc sống sôi nổi hơn khi nhiều em kể về đồ ăn, nước uống hàng ngày và lợi ích của từng loại. Thầy trò đối đáp hoàn toàn bằng tiếng Anh, lớp học 35 em nên thầy đến từng bàn, uốn nắn cách phát âm và gợi nhớ từ vựng cho từng em.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng có 35 lớp, học sinh được chọn một trong ba chương trình tiếng Anh: 6 tiết/tuần theo chương trình phổ thông; 8 tiết/tuần với chương trình tăng cường (trong đó 2 tiếng với giáo viên nước ngoài) và 8 tiết/tuần hoàn toàn học với giáo viên nước ngoài với chương trình tích hợp. "Những em học lớp 4, 5 có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, nhiều em còn tỏ ra yêu thích và rất có khiếu với ngoại ngữ này", lãnh đạo nhà trường cho hay.
Tương tự trường Đinh Tiên Hoàng, học sinh tiểu học tại TP HCM có thể lựa chọn một trong các chương trình học tiếng Anh như: tăng cường, đề án, tích hợp (dạy các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp). Từ 20 năm trước, thành phố đã xin thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy ngoại ngữ này ngay từ lớp 1 với 8 tiết mỗi tuần (những địa phương khác dạy từ lớp 3).
Ở bậc THCS và THPT, phụ huynh cũng có sự lựa chọn tương tự cho con em. Ngoài việc học ở trường, học sinh được cha mẹ đầu tư nhiều về học ngoại ngữ cũng là nguyên nhân quan trọng giúp mặt bằng chung trình độ các em tốt. Học sinh ở trung tâm thành phố còn có nhiều cơ hội cọ xát với người nước ngoài, tham gia các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cho biết.
Nhưng theo thầy Phú, không phải trường nào cũng có điều kiện dạy, học tiếng Anh. Muốn tổ chức một buổi học hay, giáo viên cần có cơ sở vật chất tốt, thiết bị hiện đại. Chưa kể, để học sinh tiếp cận với giáo viên nước ngoài, cần có sự đồng thuận của phụ huynh về kinh phí, cũng là bài toán khó với các trường.
Hiệu phó một trường THCS ngoại thành TP HCM kể rất hiếm cơ hội học sinh tiếp cận với giáo viên bản xứ bởi phụ huynh đa phần thu nhập thấp, không gánh được các khoản chi thêm. Trình độ giáo viên ở nhiều trường ông biết cũng không đồng đều, nhiều người lên lớp vẫn phát âm sai. Chưa kể lớp học đông, vượt quá tiêu chuẩn do áp lực từ dân số, thầy kèm trò không xuể.
"Việc dạy vẫn theo kiểu truyền thống, nhồi nhét từ vựng, ngữ pháp và cách giải bài tập. Trong khi học sinh thích giáo viên tổ chức tiết dạy theo kiểu giao tiếp, đối đáp theo chủ đề, tình huống, nhưng nhìn chung giáo viên chưa nhiều người làm được", ông nhìn nhận. Đây là nguyên nhân khiến hiệu quả học tiếng Anh không cao, dẫn đến sự phân hóa rõ rệt trình độ ngoại ngữ giữa trường trung tâm và trường vùng ven.
Tình trạng này cũng diễn ra ở Hà Nội, thể hiện rõ trong điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2019-2020. Đây là năm đầu tiên thành phố tổ chức thi 4 môn, trong đó Ngoại ngữ, Lịch sử lần đầu tiên xuất hiện. Trong 112 trường THPT công lập của thành phố, 23 trường lấy trên 40 điểm, 54 trường lấy trên 30 và 35 lấy dưới 30 điểm. Mức điểm thấp dần từ quận trung tâm, vùng ven và nông thôn.
Nếu như học sinh thi vào trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) phải đạt trung bình 8,125 điểm mới đỗ thì thí sinh đăng ký trường Đại Cường (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (Mỹ Đức) hay Minh Quang (Ba Vì) chỉ cần 2,7 điểm. Trường có điểm chuẩn thấp nhất của quận Hoàn Kiếm là THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (42,5 điểm) cũng cao hơn trường lấy điểm trúng tuyển cao nhất của huyện Thanh Oai (THPT Thanh Oai A) tới 13 điểm.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, cho rằng Ngoại ngữ là một trong những lý do khiến điểm chuẩn giữa các khu vực cách xa nhau. Học sinh ở vùng nông thôn ít được học thêm và không có môi trường rèn luyện giao tiếp như các em ở quận trung tâm. Phụ huynh cũng chưa chăm lo, quan tâm đến việc học của các em.
Nhìn rộng ra cả nước, chênh lệch điều kiện dạy và học, trình độ tiếng Anh của học sinh giữa khu vực đô thị và nông thôn miền núi càng rõ rệt. Điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh trong ba năm qua cho thấy sự khác biệt giữa các tỉnh thành kinh tế xã hội phát triển như TP HCM, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương thuộc miền núi phía bắc như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang hay Cao Bằng.
Năm 2019, hơn 789.400 thí sinh dự thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức và Nhật), trong đó tiếng Anh chiếm hơn 90%. Điểm trung bình môn tiếng Anh của thí sinh cả nước là 4,36. Mức điểm nhiều em đạt được nhất là 3,2; số em bị điểm dưới trung bình chiếm 68,74%.
TP HCM năm thứ ba dẫn đầu cả nước về điểm thi Ngoại ngữ với điểm trung bình 5,786, cao hơn năm ngoái 0,73. Đây cũng là địa phương có nhiều thí sinh đạt điểm giỏi nhất với hơn 10.750. Xếp sau Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội với điểm trung bình ngoại ngữ trên 5. Trong top 10 địa phương có điểm trung bình Ngoại ngữ cao nhất cả nước còn có Đà Nẵng, Nam Định, An Giang, Hải Phòng, Bình Thuận, Đồng Nai.
Ở top 10 địa phương có điểm thấp nhất, Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình xếp cuối, thậm chí Sơn La điểm trung bình Ngoại ngữ dưới 3. Những địa phương khác có mặt trong nhóm này gồm: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Bình, Thanh Hóa. Điểm trung bình các tỉnh này đều dưới 4.
Cô Hoài Thu (43 tuổi, giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học công lập ở Hà Nam) nói trở ngại lớn nhất trong việc dạy tiếng Anh tại nông thôn là nhận thức của cha mẹ. "Một phụ huynh từng nói với tôi 'Tiếng Việt chưa sõi thì học tiếng Anh nỗi gì'. Nghe xong tôi rất buồn, tư tưởng của phụ huynh như vậy thì làm sao quan tâm tới việc học tiếng Anh của con", cô Thu nói.
Sự thiệt thòi của học sinh nông thôn còn thể hiện qua việc thiếu vắng các cuộc thi tiếng Anh quy mô. Sân chơi tiếng Anh duy nhất của Hà Nam cho học sinh tiểu học là IOE (Internet Olympiads of English), cuộc thi trực tuyến sử dụng máy tính để làm bài do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm. Nhưng theo cô Thu, cuộc thi không được tỉnh duy trì đều đặn, năm có năm không.
"Nhiều khi nhìn trẻ con thành phố mà thèm. Các em được học nhiều, tiếp xúc nhiều nên mạnh dạn hơn. Còn học sinh ở quê vừa nhút nhát, khả năng nói kém vì không có môi trường giao tiếp và sử dụng tiếng Anh", cô Thu nói.
Tuy nhiên, cô Thu cũng không phủ nhận nỗ lực nâng chất lượng dạy tiếng Anh của quê mình. Theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh tiểu học ở tỉnh hiện có 4 tiết tiếng Anh một tuần vào buổi học chính khóa. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bố trí thêm 1-2 tiết dạy vào buổi hai để bổ sung kiến thức, làm bài trong sách bài tập hoặc một số sách tham khảo.
Hơn 8 năm nay, trường của cô Thu được đầu tư một phòng học tiếng Anh riêng với máy tính, máy chiếu và máy chiếu vật thể từ ngân sách của "Đề án ngoại ngữ 2020", nay là "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025". Giáo viên tiếng Anh được cấp tài khoản để truy cập vào hệ thống có hình ảnh và những bài nghe trong sách để học sinh được tiếp cận bài học trực quan và sinh động hơn. Máy chiếu vật thể được sử dụng khi thầy cô muốn chiếu bài của học sinh để chữa hoặc cho cả lớp tham khảo.