Tôi tin chắc rằng không ai chọn nghề giáo vì lương cao, vậy sao họ không chọn nghề khác? Có hai khả năng xảy ra: một là họ yêu nghề; hai là họ không thể làm gì khác. Lý do thứ hai thật nguy hiểm.
Khi yêu nghề, giáo viên cũng cần dạy thêm vì lương chứ, bởi lương tâm nghề nghiệp cũng cần đi đôi với cơm áo gạo tiền. Nhưng việc kiếm thêm từ nguồn thu nhập này phải gắn với tấm lòng của người thầy muốn giúp đỡ và hỗ trợ học sinh tiến bộ hơn. Động cơ này nhìn ở góc độ nào vẫn tốt hơn nhiều so với những người đi dạy vì không thể làm gì khác.
Thời gian học trên lớp vốn dĩ rất ít, khoảng 1-3 tiết mỗi tuần/môn, mỗi tiết 45 phút, không đủ trang bị cho học sinh toàn bộ kiến thức, với áp lực thi cử ngày càng nặng nề như hiện nay. Học trên lớp có đủ để thi tốt nghiệp, học kỳ và lên lớp? Học ở trên lớp có thể trở thành học sinh khá giỏi, đạt thành tích cao trong các cuộc thi? Xin thưa là không.
Nếu động cơ của giáo viên chỉ muốn dạy thêm vì cần tiền, họ sẽ bằng mọi cách ép học sinh đến lớp, giảm thời lượng dạy, hoặc dạy những thứ mà nếu học sinh không đến lớp học thêm sẽ không thể hiểu gì cũng như không thể thi cử. Khi đó, người ta gọi là bị giáo viên đì.
Giáo viên có lương tâm không bao giờ làm những việc như vậy. Nếu không có lương tâm, việc đi dạy sẽ gây nguy hiểm cho cả thế hệ. Những người như vậy có đáng được gọi là giáo viên, có xứng đáng để đứng lớp dạy dỗ bao nhiêu thế hệ? Nếu vậy hãy xem tại sao họ vào được ngành giáo dục? Dĩ nhiên họ đi dạy không phải vì yêu nghề.
Ai đẩy học sinh đến các lớp học thêm
Bên cạnh động cơ không đúng đắn của việc dạy thêm, cần quan tâm đến những người đã đẩy học sinh đến lớp học thêm dù muốn hay không.
Ai cũng biết, khi phần lớn cả lớp đạt học sinh giỏi, thì vài em loại khá sẽ bị xem như "kẻ tội đồ" của gia đình, nỗi xấu hổ của thầy cô. Bởi cha mẹ luôn đòi hỏi những đứa trẻ của mình xuất chúng ngoài xã hội mà không hề cân nhắc đến năng lực của các em. Áp lực học hành thi cử vốn rất nặng nề, sức ép thành tích từ nhà trường, giáo viên, từ các bạn trong lớp và ánh mắt của ba mẹ đã đẩy các em đến nơi mà các em không hề muốn đến. Thử hỏi, có bao nhiêu học sinh đến lớp học thêm với niềm say mê và hứng thú học tập? Bao nhiêu học sinh đến lớp học thêm mà gọi người dạy mình là thầy/cô giáo với tấm lòng trân trọng?
Vậy thì sao chúng ta cứ cố gắng đẩy các em đến nơi chúng không muốn đến, học nơi chúng không muốn học. Đó là bệnh thành tích. Ai cũng muốn con mình đạt được thành tích như các bạn cùng trang lứa, bất kể khả năng của các em. Trường nào cũng muốn thật nhiều học sinh xuất sắc, học sinh giỏi và tiêu biểu. Thầy/cô luôn xấu hổ với đồng nghiệp, với cấp trên khi lớp có nhiều học sinh đạt mức trung bình, chưa nói đến yếu kém. Trường này xấu mặt với trường khác khi nhiều học sinh rớt tốt nghiệp, ít học sinh giỏi, không có giải thưởng này, thành tích kia… Cả xã hội đang chạy đua với thành tích.
Khi đó, những đứa trẻ đang được giáo dục cũng bất chấp chạy đua cùng xã hội.
Thêm vào đó, hãy nhìn vào chương trình phổ thông hiện nay, vào sách giáo khoa, sách giáo viên, đặc biệt là chế độ thi cử. Làm thế nào để giáo viên có thể truyền đạt tất cả kiến thức "chuẩn" theo yêu cầu của Bộ với lượng thời gian trên lớp ít ỏi. Nói như giáo sư Văn Như Cương "học gì thi nấy hay thi gì học nấy? Chúng ta đang thực hiện "thi gì học nấy". Học hành và thi cử ở phổ thông hiện nay thực sự là một cuộc đua không hồi kết.
Xã hội nào cũng có những thành phần ưu tú và tinh hoa. Học sinh cũng vậy, giáo viên cũng thế, chỉ một số ít có khả năng vượt trội và trở nên xuất sắc khi rèn luyện. Còn lại, hãy để cho tất cả được sống, học tập, làm việc theo đúng khả năng của bản thân. Đó là cách để tạo nên một xã hội tinh hoa.
Ngô Thị Bích Lan