Kate Lewis là nhà văn tự do người Mỹ đã sống ở Nhật Bản gần một năm cùng gia đình. Cô thích dịch chuyển và luôn đưa các con theo cùng trên mọi hành trình khám phá. Hiện gia đình cô cố gắng học ngôn ngữ, hòa nhập với văn hóa Nhật Bản trong thời gian sống ở đây. Kate chia sẻ trên Savvy Tokyo về cách dạy trẻ tự lập của người Nhật.
Tháng 11 năm nay, con trai 2 tuổi của Kate có chuyến thực địa đầu tiên trong đời. Trường mẫu giáo (yochien) của cậu bé đưa tất cả học sinh trong lớp trên một chuyến xe buýt và không hề nói với phụ huynh rằng sẽ đi đâu.
Khi biết về kế hoạch này, Kate và một số phụ huynh người Mỹ khác bị sốc, tất cả nhìn nhau đầy hoài nghi nhưng cũng vô cùng háo hức. "Điều này sẽ không bao giờ xảy ra ở Mỹ", các bà mẹ Mỹ thì thầm với nhau. Tuy nhiên, họ nhanh chóng đồng quan điểm một chuyến đi như vậy rất cần thiết để rèn luyện sự tự lập cho một đứa trẻ.
Cuộc "phiêu lưu" đầu tiên của trẻ mà không có bố mẹ bên cạnh khởi đầu cho những chuyến đi kế tiếp. Sang năm, khi con trai Kate được 3 tuổi, cậu bé sẽ tự đi xe buýt đến yochien. Trẻ con tham gia các phương tiện công cộng hoặc đi bộ đến trường một mình là chuyện bình thường ở xứ sở mặt trời mọc. Mẹ của Kate ở Mỹ khi nghe được chuyện này tỏ ra rất kinh hoàng: "Chúng tự đi một mình? Toàn bộ quãng đường? Chúng còn quá bé để làm việc này!".
Vượt qua cú sốc ban đầu, Kate nhận thấy sự lo lắng của các bà mẹ Mỹ đôi khi không cần thiết trong trường hợp này. Cô dần học được cách dạy trẻ tự lập từ khi còn bé của người Nhật Bản.
Học cách tự đi một mình
Dạy trẻ đi một mình là một quá trình, không phải đột ngột bỏ mặc trẻ. Các yochien điều chỉnh quá trình này một cách bài bản. Các bà mẹ được phép tham dự vài buổi học đầu tiên, vài chuyến đi thực địa đầu tiên. Gần một tháng trôi qua, trường mới tổ chức chuyến đi bí mật cho trẻ, giấu các bà mẹ địa điểm đến.
Trẻ đã học cách tự đi một mình như vậy. Theo một nghiên cứu của Mỹ về các tuyến đường an toàn, chỉ có 1,7% trẻ em ở Nhật đi xe buýt đến trường. Một số trường cấm ôtô đỗ, do vậy đa số trẻ đi bộ tới trường hàng ngày.
Tuy nhiên, trẻ không đơn thuần chỉ bước ra khỏi cửa và đi một mạch tới trường. Chúng được dạy cách tìm hiểu nhiều tuyến đường, chào hỏi các chủ cửa hàng trên đường đi. Người Nhật không dạy trẻ tự đi một mình, chính xác là dạy các em cách đi một mình an toàn.
Tin tưởng cộng đồng
Không chỉ phụ huynh mà cộng đồng ở Nhật Bản cũng giúp nuôi dưỡng tính độc lập ở trẻ em. Hàng xóm thấy trẻ đi lạc sẽ không gọi cảnh sát, khi gặp chuyện cũng không để cảnh sát bắt phụ huynh. Thay vào đó, họ giúp đỡ. Sự tham gia của cộng đồng vào quá trình nuôi dạy trẻ giúp phụ huynh cảm thấy yên tâm.
Các tuyến đường đến trường của một đứa trẻ thường bao gồm cả những tình nguyện viên hướng dẫn sang đường, các biển báo được dán trên địa điểm an toàn trong trường hợp khẩn cấp, thậm chí một số hàng xóm còn nhắc nhở các em về nhà khi trời tối. Bằng cách này, trẻ Nhật Bản vẫn có sự tự do nhưng trong khuôn khổ an toàn.
Hiểu về trách nhiệm
Người Nhật dạy trẻ ý thức về trách nhiệm từ rất sớm. Cuối ngày đầu tiên đi học ở yochien, con trai Kate gặp rắc rối với việc dọn dẹp sau khi chơi. Cậu bé cho rằng mẹ thường làm công việc này, do đó cô giáo đã kể lại với Kate. Kate nhận thấy đây là một lời cảnh cáo đầy thân thiện.
Với việc các yochien hướng dẫn trẻ tự làm sạch khu vực của mình sau khi chơi, con trai Kate dù chỉ là đứa trẻ mới biết đi cũng phải biết chịu trách nhiệm về việc dọn dẹp khi ở nhà.
Có một chương trình truyền hình ở Nhật mang tên Hajimete No Otsukai, trong đó trẻ em khoảng 4 tuổi được giao nhiệm vụ làm các công việc vặt trong gia đình như đi mua đồ tạp hóa. Đó cũng là một cột mốc quan trọng trong việc dạy trẻ tự lập mà phụ huynh rất coi trọng. "Nhật Bản dạy trẻ em từng bước làm chủ, tạo cơ hội, động lực để tự lập suốt đời và đạt được thành công", Kate viết.
Phiêu Linh
>>Balo chống gù của học sinh tiểu học Nhật Bản
>>Học sinh Nhật Bản được dạy đi bộ đến trường an toàn