"Nguồn nhân lực AI hiện nay còn rất mỏng", Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định trong phiên hội thảo Phát triển nguồn nhân lực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chiều 15/8 - tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN).
Theo đó, những nghiên cứu về AI tại Việt Nam đã có từ 5-7 năm trước, đến nay Việt Nam mong muốn chuyển giao công nghệ AI trên thế giới. Tuy nhiên nhân lực để nghiên cứu và ứng dụng chưa đáp ứng đủ.
Đánh giá của Google Brain cũng chỉ ra, nhu cầu nhân lực phục vụ trí tuệ nhân tạo là một triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng được. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ cao trong năm 2020 trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trường.
"Đây là cơ hội để phát triển nhân lực AI của Việt Nam", Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (Viện JVN) chia sẻ tại hội thảo. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần phối hợp với đơn vị đào tạo đưa giáo trình và khóa học ngắn hạn tạo ra lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp. "Năm nay Đại học Bách Khoa Hà Nội mở thêm ngành AI, số điểm đầu vào cao nhất trường với số lượng sinh viên hạn chế", Giáo sư Bảo thông tin.
Tham gia AI4VN với vai trò là đơn vị đào tạo công nghệ cao, trong hai ngày diễn ra chương trình, Đại học trực tuyến FUNiX đã giới thiệu về phương pháp giáo dục FUNiX Way và chương trình đào tạo công nghệ cao xSeries, trong đó có các khóa chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Học máy...
Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Đại học Trực tuyến FUNiX HCM, cố vấn cấp cao xSeries chia sẻ: "AI đang được dành cho những sinh viên xuất sắc. Trường Đại học Bách khoa mới mở thêm ngành về Trí tuệ nhân tạo nhưng lấy điểm đầu vào khá cao. Theo quan điểm của tôi, AI nên được phát triển đại chúng hơn".
Ông Lâm cho rằng, cần phải nghĩ ra cách dạy được cho đại chúng về công nghệ AI để công nghệ này thực sự trở nên phổ biến. "Người học AI không nhất thiết phải xuất sắc. Thực tế hiện nay có nhiều loại AI. Không chỉ những giáo sư, chuyên gia đầu ngành mới làm được mà còn có nhiều công việc liên quan tới AI, các lập trình viên khác cũng có thể làm được. Phải làm sao để ứng dụng này có thể hỗ trợ cho nhiều công việc khác", Giám đốc FUNiX TP HCM cho biết.
Về phương pháp đào tạo, ông Nguyễn Thành Lâm chia sẻ: "Internet đang rất mở. Nhờ internet, Việt Nam có thể tận dụng kiến thức tinh hoa của thế giới, sử dụng tất cả những người có thể đóng góp vào quá trình giáo dục. Giáo dục trực tuyến giúp kết nối người muốn học với người có thể dạy, trong đó có những người đang làm thực tế tại doanh nghiệp, hoặc theo học các giáo sư xuất sắc nhất trên thế giới về AI như giáo sư Stefano Ermon, Phó giáo sư, khoa Khoa học máy tính của Đại học Stanford, Mỹ".
Ông Lâm cho hay, phương pháp giáo dục FUNiX Way đang là một giải pháp để đào tạo số lượng lớn nhân sự cho ngành CNTT – lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhưng nguồn nhân lực được đào tạo còn khan hiếm. Để tăng tốc - vừa đào tạo số lượng lớn vừa đảm bảo chất lượng, FUNiX tăng số lượng người dạy bằng cách sử dụng những chuyên gia trong lĩnh vực CNTT tham gia đào tạo.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ ngày 15, 16/8. Sự kiện tổ chức theo mô hình mở, nhằm kết nối cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Ngoài hoạt động trình bày tham luận và thảo luận, AI4VN 2019 còn triển lãm và trình diễn công nghệ AI với hàng chục gian hàng đến từ FPT, Học viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, FastGo... và cuộc thi lập trình trong 48h - Hackathon. Cũng tại đây, Tập đoàn FPT đã ra mắt chương trình Cuộc đua số với màn trình diễn của những chiếc xe tự hành.
Tại AI4VN, FUNiX đã giới thiệu các khóa học công nghệ cao của nhà trường. Trong tháng 8, xSeries vừa ra mắt khóa học Data Science, tháng 9 sẽ khai giảng khóa học Machine Learning. Việc xây dựng chương trình và giảng dạy có sự đóng góp của chính các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ. Sau các khóa học này, người học có nhiều cơ hội tham gia vào lĩnh vực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn.
Thanh Nga