Năm 2019, cả nước có gần 868.000 thí sinh làm bài Ngữ văn tự luận thi THPT quốc gia. Điều gây bất ngờ là môn thi vốn được xem dễ kiếm điểm, không quá áp lực nên luôn được xếp thi đầu tiên lại có tới 1.265 bài thi bị điểm liệt từ 1 trở xuống, chiếm 40% tổng số bài thi bị điểm liệt ở tất cả môn. So với năm 2018, con số này tăng hơn 1,6 lần.
Có mức điểm trung bình môn Ngữ văn không tệ với 5,56, nhưng Hà Nội là địa phương có nhiều điểm liệt ở môn này nhất - 104.
Trong top 10 tỉnh thành có điểm trung bình Ngữ văn cao nhất, Hà Nam từ vị trí thứ hai vào năm ngoái đã vươn lên dẫn đầu với 6,307 điểm, cao hơn mức trung bình cả nước tới hơn 0,8 điểm. Tỉnh này có 691 thí sinh đạt điểm giỏi môn này và 14 em bị điểm liệt.
Bên cạnh một số địa phương quen thuộc trong top 10 Ngữ văn như Nam Định, Bạc Liêu, Ninh Bình, Hà Tĩnh, An Giang, bốn tỉnh thành đã có bước tiến mạnh mẽ về thứ hạng để vào top 10 là Cần Thơ (xếp thứ 2), TP HCM (6), Vĩnh Phúc (8) và Hải Dương (10).
Hậu Giang - tỉnh dẫn đầu năm 2018 có điểm trung bình môn Văn, năm nay chỉ đạt 5,68 điểm, không đủ đứng trong nhóm 10 địa phương có điểm Văn tốt nhất.
Giống như Toán, các địa phương có điểm Ngữ văn thấp nhất cả nước thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh có điểm cao nhất nhóm này là Lai Châu cũng chỉ đạt mức 4,967, thấp hơn trung bình cả nước khoảng 0,5 điểm.
Sơn La có điểm trung bình môn Ngữ văn thấp nhất, chỉ 3,503. Hà Giang áp chót với 3,692 điểm. Hòa Bình, địa phương không bị nhắc tên trong nhóm cuối bảng năm ngoái, có điểm Ngữ văn bết bát trong năm nay với 4,135 điểm. Đây là ba tỉnh để xảy ra gian lận thi cử, khiến 222 thí sinh được nâng điểm năm 2018.
Đề Ngữ văn năm nay được đánh giá không khó, có cấu trúc quen thuộc. Đề gồm hai phần, trong đó phần làm văn có câu hỏi nghị luận văn học chiếm 5 điểm đề cập tới dòng sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Kết thúc buổi thi Ngữ văn, nhiều thí sinh đã cười tươi vì cho rằng làm được bài.