Theo Verywell Family, nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc không phải là mang lại cho chúng niềm vui nhất thời hoặc sự hài lòng ngay lập tức. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại.
Những đứa trẻ hạnh phúc được trang bị đầy đủ kỹ năng cho phép chúng tận hưởng cảm giác vui vẻ lâu dài trong cuộc sống. Chúng có thể vượt qua cám dỗ trước mắt để đạt được mục tiêu lớn hơn.
10 bí quyết dưới đây giúp phụ huynh đồng hành cùng con trong quá trình tạo dựng và phát triển những kỹ năng đó.
1. Khuyến khích vui chơi ngoài trời
Nhiều phụ huynh đánh giá thấp vai trò của việc vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, chạy nhảy trên bãi cỏ, trèo cây, ngồi xích đu và đào đất được chứng minh là những hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy mùi hương của thiên nhiên như mùi cây thông, cỏ mới cắt và hoa oải hương có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Vì vậy, bạn có thể khuyến khích con đọc sách hoặc làm bài tập về nhà ngoài hiên.
Vui chơi ngoài trời cũng có thể cải thiện các kỹ năng xã hội ở trẻ em. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Journal of Science and Medicine in Sport cho thấy khi tăng thời gian hoạt động ngoài trời, trẻ đồng thời tăng mức độ đồng cảm, gắn kết và tự kiểm soát.
Với kỹ năng xã hội tốt, trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy nhóm trẻ này có khả năng vào đại học cao gấp đôi và ít có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện, bị béo phì hay hành động bạo lực.
Vì vậy, bạn hãy biến vui chơi ngoài trời thành thói quen hàng ngày cho con. Ngay cả khi thời tiết không lý tưởng, trẻ vẫn có thể đi xe đạp, chơi với những đứa trẻ hàng xóm và chạy loanh quanh ngoài trời.
2. Giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử
Trẻ có thể thấy vui khi chơi video game hàng giờ liền. Tuy nhiên, về lâu dài, việc dùng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Emotion cho thấy những thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động không liên quan đến thiết bị điện tử như chơi thể thao, làm bài tập về nhà... sẽ hạnh phúc hơn nhóm còn lại.
Nếu mua điện thoại thông minh cho trẻ, bạn hãy yêu cầu trẻ không dùng khi tham gia các hoạt động cùng gia đình như ăn cơm tối hoặc vui chơi bên ngoài, đồng thời giới hạn thời gian xem TV và sử dụng máy tính, điện thoại trong ngày.
3. Thực hành lòng biết ơn
Nếu biết ơn những điều giản dị trong cuộc sống, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa lời cảm ơn do ép buộc và lời cảm ơn thật tâm.
Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ em thực hành lòng biết ơn là làm gương cho chúng. Nếu thấy bố mẹ thường xuyên cảm ơn người khác một cách chân thành, trẻ có xu hướng làm điều tương tự.
Để thực hành, bạn hãy biến nó thành thói quen của gia đình. Chẳng hạn, vào giờ ăn tối hoặc trước khi đi ngủ, mỗi người trong gia đình có thể xác định ba điều mình cảm thấy rất biết ơn và kể với những người khác.
4. Đặt kỳ vọng cao, nhưng không quá cao
Mặc dù việc dành hàng giờ để ôn thi hoặc tập đàn có thể không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui, kết quả mà sự chăm chỉ mang lại sẽ khiến trẻ ngập tràn hạnh phúc.
Sự mong đợi của bạn tác động lớn đến việc trẻ có sẵn sàng thử thách bản thân hay không. Các nghiên cứu cho thấy khi cha mẹ có kỳ vọng cao đối với việc học của con ở trường, trẻ sẽ học tốt hơn và kiên trì hơn khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn.
Điều quan trọng cần lưu ý là không nên mong đợi sự hoàn hảo. Đặt kỳ vọng quá cao cho con có thể phản tác dụng, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý.
5. Dạy cách tự kiểm soát
Ăn thêm một chiếc bánh quy, bỏ bài tập về nhà để đi chơi với bạn bè, xem TV say sưa thay vì làm việc vặt trong nhà... có thể mang lại cho trẻ niềm vui nhất thời. Nhưng, về lâu dài, việc thiếu tự chủ gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Journal of Personality cho thấy những người có khả năng tự kiểm soát tốt sẽ có tâm trạng vui vẻ hơn. Họ không thường xuyên đặt mình vào những tình huống cám dỗ như người khác.
Bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để dạy con:
- Đặt một chiếc giỏ trong nhà, quy định con phải để điện thoại vào đó khi làm bài tập về nhà để không bị xao nhãng.
- Tất cả thiết bị điện tử của cả gia đình phải được đặt vào khu vực chung trước khi đi ngủ. Dần dần, trẻ sẽ thắng được cám dỗ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại khi nằm trên giường ngủ.
- Mua thực phẩm lành mạnh để dự trữ trong nhà. Nếu bạn có một số đồ ăn vặt không lành mạnh, hãy đặt ở vị trí khó nhìn thấy hoặc khó tiếp cận đối với trẻ.
6. Giao việc trong nhà
Một nghiên cứu cho thấy việc cho những đứa trẻ biết làm việc lặt vặt trong nhà từ 3, 4 tuổi có nhiều khả năng thành công trong tương lai. Chúng vui vẻ khi được tham gia cùng người lớn và cảm thấy gắn kết hơn với gia đình. Sự kết nối đó sẽ giúp trẻ duy trì tinh thần mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn của cuộc sống.
Việc nhà cũng dạy cho trẻ em nhiều bài học cuộc sống, chẳng hạn trách nhiệm đối với tập thể. Dọn giường hay lau sàn nhà có thể mang lại cho trẻ cảm giác hoàn thành nhiệm vụ, thấy hài lòng khi bản thân có khả năng tạo ra sự khác biệt.
7. Ăn tối cùng nhau
Nhiều gia đình thường mua đồ ăn dọc đường cho con để tiện với lịch học ngoài giờ hoặc hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, việc cả nhà ngồi quây quần để ăn cùng nhau là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả tốt nhất khi bạn muốn nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc. Trẻ ăn cùng bố mẹ cũng ít có khả năng thừa cân hoặc bị rối loạn ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy việc thanh thiếu niên dùng bữa thường xuyên cùng gia đình có mối liên hệ chặt chẽ tới tâm trạng tích cực. Ngoài ra, nhóm thanh thiếu niên này còn có quan điểm tích cực hơn về tương lai.
Nếu gia đình không thể ăn tối cùng nhau trong suốt cả tuần, bạn đừng lo lắng quá nhiều. Hầu hết nghiên cứu chứng minh rằng chỉ vài buổi tối ăn cùng bố mẹ mỗi tuần có thể mang lại lợi ích cho trẻ.
8. Tránh việc quá nuông chiều con
Mua cho con rất nhiều quà vào các ngày lễ hoặc đáp ứng mọi đòi hỏi của con không phải là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc. Thực tế, những đứa trẻ quá được nuông chiều thường cảm thấy bất mãn, không phân biệt được thứ mình cần và thứ mình muốn, đo đếm hạnh phúc bằng vật chất.
Vì vậy, phụ huynh nên chống lại ham muốn cung cấp cho trẻ mọi thứ chúng muốn, như điện thoại thông minh đời mới nhất, quần áo hàng hiệu hay xe đạp đắt tiền. Thay vào đó, bạn hãy tạo cơ hội để chúng giành được phần thưởng xứng đáng nhờ chăm chỉ học tập và lao động.
Hãy tập trung vào trải nghiệm hơn mọi thứ khác. Các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy hạnh phúc nhất thường dành thời gian và tiền bạc để tạo ra những kỷ niệm, không phải để mua thêm những món đồ hào nhoáng.
9. Tập thể dục cùng gia đình
Đi dạo cùng nhau mỗi tối, tập thể dục theo video ở phòng khách có thể khiến mọi người trong gia đình hạnh phúc hơn, đồng thời tạo ra những ký ức tích cực.
Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Journal of Happiness Studies, bạn tập bài nào không quan trọng. Thể dục nhịp điệu, các bài tập giãn cơ, giữ thăng bằng hay nâng tạ đều mang lại cảm giác hạnh phúc, nhất là khi các thành viên trong gia đình tập cùng nhau.
10. Khuyến khích giúp đỡ người khác
Lòng vị tha được chứng minh có liên kết chặt chẽ với cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể áp dụng một số ý tưởng dưới đây để bồi dưỡng lòng vị tha của con:
- Thách thức mọi người trong gia đình thực hiện ít nhất một hành động tử tế mỗi ngày và chia sẻ những gì bạn đã làm trong bữa tối.
- Chọn một tổ chức từ thiện để quyên góp mỗi năm, cả gia đình tham gia từ thiện vài giờ mỗi tuần.
- Dành một khoản trợ cấp cho con mỗi tuần, khuyến khích con quyên góp hoặc mua quà tặng những người khó khăn.
Ngoài 10 bí quyết trên, bạn cần nhớ trẻ không cần cảm thấy hạnh phúc mọi thứ. Chúng cũng cần trải nghiệm những cảm xúc khó chịu như buồn chán, giận dữ, sợ hãi và thất vọng, học cách tự đối phó và xoa dịu bản thân.
Điều tốt nhất bạn có thể làm để nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc là cung cấp cho chúng một môi trường tràn ngập tình yêu thương.