Người gửi: Phan Thanh Hoàn
Càng ngày người ta càng kêu ca nhiều về giáo dục. Đủ mọi thứ chuyện liên quan đến giáo dục. Sau nhiều năm xã hội kêu ca, ngành giáo dục lại điều chỉnh, lại thay đổi và rồi người ta lại kêu ca... Tóm lại thì là vì cái gì?
Phụ huynh các cháu tiểu học thì bảo: Sao lại bắt con trẻ học lắm thứ thế? Các em học sinh phổ thông thì lại kêu: Học gì mà toàn những thứ phức tạp, chúng em học như một cái máy, chẳng có hứng thú gì. Còn anh chị sinh viên đại học thì phàn nàn: Toàn lý thuyết suông, chẳng ăn nhập gì với công việc sau này... Đại loại thế.
Xin thưa, ngành giáo dục có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu giáo dục. Họ tìm hiểu, đi đây đi đó quan sát, nghe ngóng... rồi về đề xuất, thử nghiệm. Kết quả thì như mọi người đã thấy. Lại tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao lại thế? Nhiều người thắc mắc: Mô hình của người ta tốt thế, sao lại không áp dụng? Nhưng có trường hợp áp dụng rồi thì tại sao lại không được kết quả như người ta? Thật là khó hiểu.
Tôi nghĩ, chung quy lại có lẽ là do Triết lý giáo dục của ta. "Giáo dục con người một cách toàn diện", đấy là triết lý, mục tiêu của giáo dục Việt Nam. Nói một cách đơn giản là người học phải học mọi thứ, phải biết hết. Nghĩ lại thì thấy cũng tốt. Còn gì hơn khi con em mình giỏi giang, biết mọi thứ trên đời?
Rất tiếc, xã hội thì luôn thay đổi. Từ điển bách khoa mà người ta cũng phải để mở kia mà. Vậy thì triết lý đấy có phù hợp không? UNESCO cho rằng: "Học để biết cách học, Học để làm việc, Học để chung sống và Học để khẳng định mình". Sao ta không bám lấy các nguyên lý đó để xây dựng triết lý giáo dục cho mình?
Tôi dạy đại học, nhiều lần đọc đơn xin phép nghỉ học của sinh viên mà chợt thấy chạnh lòng: "Chẳng lẽ đây là sản phẩm của mình?"
Tóm lại, tôi cũng chẳng muốn dài dòng, các nhà làm giáo dục hãy nghĩ đơn giản hơn. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Hãy xây dựng một nền giáo dục: Dạy và Học một cách đơn giản, hiệu quả. Hãy để người học chủ động tìm hiểu, làm chủ tri thức, phát triển kỹ năng để tồn tại. Chỉ thế thôi.