Là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chuẩn bị kỹ năng tương lai cho học sinh trong ba năm 2017-2019 (bình chọn của tổ chức Economist Intelligence Unit), New Zealand ngày càng thu hút du học sinh quốc tế ở nhiều bậc học. Trong đó, nhiều phụ huynh, học sinh còn chọn du học bậc trung học ở quốc gia này vì có nhiều lợi thế.
Chất lượng đảm bảo, chọn trường theo sở thích
Theo Cơ quan giáo dục New Zealand, New Zealand có 3 loại hình trường phổ thông bao gồm trường công, trường bán công và trường tư thục. Trong đó, trường công có khoảng 85% học sinh theo học. Các trường được phân bổ rộng khắp từ đảo Bắc đến đảo Nam, với nhiều thế mạnh khác nhau nhưng vẫn được đảm bảo về chất lượng giảng dạy.
Trao đổi với Cơ quan Giáo dục New Zealand trong một buổi hội thảo trực tuyến, chị Vân (tốt nghiệp thạc sĩ tại New Zealand và có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ học sinh Việt Nam du học tại quốc gia này) cho biết, qua các chuyến đi thực tế tại New Zealand để tìm hiểu về trường trung học, chị rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cơ sở vật chất của các trường vùng ngoại ô hoặc các thành phố nhỏ không hề kém ở những thành phố lớn như Auckland, thậm chí có phần lợi thế hơn về quy mô khi sở hữu nhiều sân bóng rộng, xưởng mộc ngay trong trường.
Nhờ chất lượng giáo dục có thể đảm bảo được sự đồng đều giữa các trường ở New Zealand mà việc chọn trường trở nên đơn giản hơn. Phụ huynh được khuyên nên xem xét thế mạnh của trường có phù hợp với sở thích, nguyện vọng của con hay không.
Chị Thanh Minh (phụ huynh em Tất Sáng, đang học trường trung học Paraparaumu College) cho biết, con nhà chị rất hiếu động nên ưu tiên chọn những trường có sân bóng đá, bóng rổ và mạnh về các hoạt động ngoại khóa. Sau một năm theo học ở trường, Sáng rất vui vì có thể gia nhập và thi đấu cho đội bóng rổ ở trường.
Học sinh được chăm sóc từ nhà đến trường
New Zealand là một trong những nước đầu tiên luật hóa quy chế Bảo trợ Học sinh Quốc tế, trong đó quy định rõ về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà trường và tổ chức liên quan đến quyền lợi của du học sinh.
Chị Ngọc Vân (Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand) cho biết, mỗi trường đều có bộ phận chăm sóc sinh viên quốc tế để hỗ trợ du học sinh từ những vấn đề học tập đến đời sống, tinh thần. Ngoài ra, còn có thầy cô cố vấn học tập sẽ giúp học sinh tư vấn chọn môn, định hướng nghề nghiệp tương lai.
Anh Tuấn Dũng (phụ huynh em Gia Huy, đang học tại trường Green Bay High School) chia sẻ về trải nghiệm họp phụ huynh "xuyên lục địa", nhà trường có cổng thông tin online dành cho phụ huynh để theo sát tình hình học tập của con.
Anh cho biết rất ngạc nhiên khi xem báo cáo nhà trường cho con ở học kỳ đầu tiên, trong đó trình bày rất chi tiết về kết quả học tập cũng như hướng dẫn lộ trình và mục tiêu học tập cho năm học tiếp theo. Vì là học tín chỉ nên các con cần tích lũy từng học kỳ một để vào được trường đại học mơ ước. Báo cáo trình bày khoa học nên anh nắm được tình hình học tập của bé dù ở xa.
Bên cạnh học tập, ăn ở, sinh hoạt của con cũng là một trong những quan tâm lớn của bậc cha mẹ. "Với học sinh trung học, chúng tôi khuyến khích phụ huynh và các bé lựa chọn hình thức homestay - ở cùng người bản địa, để nhanh chóng hòa nhập với môi trường, yên tâm hơn nhờ có gia đình homestay chăm sóc tận tình", chị Ngọc Vân cho biết thêm.
Anh Tuấn Dũng cho biết thêm, việc chọn lựa homestay cho trẻ được thực hiện bài bản. Trước khi nhập học, trường sẽ gửi cho học sinh mẫu đơn để tìm hiểu về homestay phù hợp nhất với con. Khi được giới thiệu nhà host, anh hài lòng vì gia đình host của bé Gia Huy có hơn 10 năm chăm sóc du học sinh. Gia đình làm trong lĩnh vực an ninh, xã hội nên đều là những người tử tế; có hai con trai cũng trạc tuổi Gia Huy nên cháu rất vui vì có bạn chơi chung.
Học từ thực tiễn, thay đổi phù hợp với năng lực học sinh
Xuân Khang (học sinh trường Pakuranga College) rất hào hứng với môn Robotics và Vật lý vì đây là hai trong số các môn có nhiều giờ thực hành. Em cho biết, trên trường, tụi em được học cách lập trình để những chú robot có thể cử động và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu. Về nhà, em với các bạn tự mày mò để chế tạo những món đồ chơi bằng gỗ nhờ ứng dụng các nguyên lý trong môn Vật lý.
Với Hà Thái (học sinh trường Marlborough Girls' College), Kinh doanh (Business) là môn học mà em yêu thích nhất. "Mỗi người trong nhóm bọn em sẽ phải đảm nhiệm vai trò phù hợp như Giám đốc điều hành CEO, CFO hoặc Marketing. Bọn em cùng nhau lập nên một công ty nhỏ, tự điều hành, quản lý và đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Điều đặc biệt về môn học này là không chỉ thực hành mà phải tự kiểm soát khoản chi tiêu, chiến dịch bán hàng và marketing ngoài đời thật", Hà Thái nói.
Bên cạnh tính thực tiễn, giáo viên có thể linh động điều chỉnh giáo trình theo năng lực của từng học sinh. Chị Thu Hường (phụ huynh em Tuấn Minh, đang học trường trung học Avondale College) ngạc nhiên vì chỉ sau 2 tuần nhập học, Minh được trường chuyển từ lớp 10 lên lớp 11 nhờ vào năng lực học tập tốt, trong đó có môn Toán được học vượt lên lớp 12.
"Tuấn Minh học rất tốt môn Toán nên dù là học sinh mới vẫn được thầy tin tưởng cử làm đại diện trường tham gia cuộc thi Olympic Toán quốc gia tại New Zealand", chị Hường chia sẻ.
Tại xứ sở kiwi, các trường hợp học vượt như Tuấn Minh không phải hiếm. Nếu học sinh chứng tỏ được năng lực của bản thân thì nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện để các em chuyển lên lớp học cao hơn và phù hợp với năng lực, tiềm năng.
Kim Uyên
Nhằm mang lại cơ hội trải nghiệm nền giáo dục New Zealand cho học sinh Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand tiếp tục triển khai chương trình Học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học. Chương trình học bổng NZSS 2020 đợt 2 chính thức nhận hồ sơ từ ngày 6/7 đến 31/8. Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về học bổng và các lựa chọn trường, phụ huynh, học sinh xem tại đây.