Thông tư 22 dường như mang tính phân loại học sinh sâu sắc hơn với ba mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành (thay vì hai mức hoàn thành và chưa hoàn thành như trước).
Lý do điều chỉnh được giải thích: "Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, ba mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình”. Nhưng một phụ huynh như tôi cũng lại có lý do để mà lo lắng với sự quẩn quanh của ngành giáo dục.
Không phân loại theo kiểu truyền thống để giảm áp lực, giờ lại tìm cách phân loại mang tính rõ ràng hơn. Những điều chỉnh này cuối cùng cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Cách đánh giá học sinh không quan trọng bằng quan điểm giáo dục để làm gì và giáo dục như thế nào.
Cách đây vài tuần, tôi đi họp phụ huynh cho con tôi - mới vào lớp 1. Khi ấy, Thông tư 30 chưa bị thay thế. Cô giáo chủ nhiệm lớp khiến tôi phải sững sờ với mục tiêu đề ra cho lớp, giống hệt thời tôi còn đi học. Đấy là bao nhiêu % học sinh giỏi, bao nhiêu % học sinh khá. Nhà trường hướng tới cái đích đó bằng cách nào? Câu trả lời rất kinh điển: học thêm.
Cụ thể, trước khi họp phụ huynh nhà trường đã có một bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt dành cho các cháu. Cháu nào có điểm dưới 9 sẽ được giáo viên động viên tham gia lớp học thêm. Lớp học thêm này là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện. Nhưng nó vẫn tạo cho tôi cảm giác hóa ra sau bao nhiêu năm và rất nhiều cuộc cải cách, môi trường giáo dục này không có gì thay đổi. Tất cả vẫn theo một lối mòn - "học gạo" để giành điểm số.
Tôi nhớ lại thời tôi đi học. Chúng tôi thuộc thế hệ luyện gà chọi, học trường chuyên, lớp chọn từ bé. Nhưng thời gian dành cho học tập của chúng tôi ở bậc tiểu học cũng không bằng con tôi bây giờ. Chúng tôi chỉ học nửa buổi. Đi học thêm cũng chỉ hai buổi mỗi tuần. Trong khi con tôi giờ học bán trú cả ngày, tối về vẫn phải làm bài tập và còn “được” khuyến khích tham gia lớp học thêm vào cuối tuần.
Giáo viên còn nêu ra rất nhiều cuộc thi khuyến khích các con tham gia. Phần lớn đều xa lạ với tôi, cho dù có cuộc thi được giới thiệu là cấp quốc gia. Thêm một lần nữa tôi ngạc nhiên. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ rằng các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia chỉ còn tồn tại ở cấp III. Lứa tuổi tôi là lứa cuối cùng còn tồn tại lớp chuyên cấp II của tỉnh. Nhưng khi ấy kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ở cấp THCS cũng đã bị xóa bỏ, chứ chưa nói đến cấp tiểu học. Vậy mà giờ đây các con mới lớp 1 đã có các kỳ thi quy mô lớn chờ đợi.
Về sau tôi mới được một người bạn làm trong lĩnh vực giáo dục “khai sáng”. Sở dĩ sinh ra nhiều kỳ thi với cái tên rất kêu một phần là ở cấp I không chấm điểm, nên khi xét tuyển vào cấp II, các trường sẽ ưu tiên xét tuyển các em học sinh có giải thưởng gì đó. Vì vậy, có rất nhiều cuộc thi ra đời và tạo ra một cuộc đua giành giải thưởng.
Tôi không muốn con mình lại trải qua một hành trình giống như thế hệ của tôi: đầy rẫy khiếm khuyết về kỹ năng cũng như tư duy khi rời ghế nhà trường, dù sở hữu một cuốn học bạ rất đẹp cùng đủ loại danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Tôi muốn cháu được giáo dục theo cách khác, cởi mở, hiện đại và thiết thực hơn. Ở đó cháu được phát triển các kỹ năng toàn diện chứ không phải chỉ là kiến thức; được khám phá rất nhiều điều thú vị của cuộc sống, của khoa học; được giáo dục một nhân sinh quan tử tế. Vì vậy tôi đã chọn cho cháu một trường tư. Nhưng ngay cả trường tư thì căn bệnh thành tích vẫn trầm trọng.
Tôi biết trong một nền giáo dục mà tất cả đều trọng thành tích, nhà trường cũng không thể đứng ngoài guồng quay. Các trường tư càng buộc phải giành lấy những thành tích hào nhoáng để cạnh tranh.
Rất khó chờ đợi bản thân phụ huynh học sinh hay các trường thay đổi quan điểm, nếu không có sự định hướng từ chính những nhà quản lý giáo dục.
Nếu không điều chỉnh triết lý chung, cách tiếp cận giáo dục chung, thì tôi tin những cuộc luận chiến kiểu “có nên dạy thêm”, “phân loại học sinh như thế nào”, “thi chung hay thi riêng” sẽ đều quẩn quanh và bế tắc, như đã thấy hàng thập kỷ qua.
Phan Tất Đức