From: nguyenthuyen
To: webmaster@vnexpress.net
Sent: Sunday, March 31, 2002 6:42 AM
Subject: Vai y kien ve GDVN
Tôi thấy giáo dục Việt Nam nổi bật mấy yếu kém chủ quan mà có thể hoàn toàn khắc phục được:
Thứ nhất, học sinh phổ thông của ta có kỹ năng tư duy và kiến thức cơ bản khá tốt so với các nước. Tuy vậy, học sinh Việt Nam có khả năng quan sát và phản xạ kém, nhất là khả năng lập luận trong các môn học xã hội. Nguyên nhân có lẽ là do chúng ta không được luyện thói quen thảo luận bài học. Người thầy trong nhà trường không nên coi mình là một chương trình truyền hình để cứ đến giờ là học trò lại “bật lên” xem một cách thụ động.
Thứ hai, cập nhật kiến thức mới trong giảng dạy chưa được chú trọng đúng mức. Ở Canada, ngay một em học sinh lớp 3 cũng nắm được rất rõ những thông tin chung về đất nước như: Thủ tướng nước này tên là gì? Những loại lương thực và thực phẩm nào nước này có thể sản xuất hoặc phải nhập khẩu... Ở các trường đại học, có nhiều môn học mà nguồn tài liệu chính cho sinh viên nghiên cứu là báo chí ra hàng ngày. Nếu có những vấn đề gì nổi cộm trong nước hoặc trên thế giới là lập tức có một môn học mới được thiết lập để nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề đó (là môn học tự chọn).
Thứ ba, học ngoại ngữ rất cần thiết song việc học ngoại ngữ ở ta vẫn mang tính hình thức nhiều hơn là tính hiệu quả. Học sinh của ta học ngoại ngữ để đi thi chứ chưa phải để dùng hàng ngày nên hiệu quả, ý thức dạy và học chưa cao. Trong khi đó, ngay ở những nước có lợi thế tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, việc học các thứ tiếng khác vẫn được phát động rất rầm rộ. Nhiều trường học dạy các môn văn hoá bằng ngoại ngữ. Những người làm cho chính phủ các nước này thường phải “dùng” hai ngôn ngữ chứ không phải chỉ “biết” ngoại ngữ như chúng ta.
Thứ tư, một tồn tại nghiêm trọng nhất của ngành giáo dục chúng ta hiện nay có lẽ là tính thiếu minh bạch. Hiện tượng “đi đêm” tạo nên sự phân biệt không rõ ràng giữa người giỏi thật và người giả vờ giỏi. Điều này làm tổn hại đến niềm tin của người dân với hệ thống giáo dục và thậm tệ hơn là sẽ tạo ra những người chủ yếu kém cho tương lai của đất nước. Có thể nói, dù sinh viên Việt Nam học giỏi nhưng nền giáo dục Việt Nam chưa được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Dẫu sao, khi nhà nước đang ngày càng có nhiều quan tâm và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, tôi vẫn luôn có một niềm tin rằng ngành giáo dục nước ta đang có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực dần lên. Xin trích lời một vị giáo sư của tôi: “Một đất nước đã có truyền thống hiếu học đến độ có một ngày hội được gọi là ‘ngày Nhà Giáo Việt Nam’ thì chắc chắn nền giáo dục và chính quốc gia này sẽ trở nên hưng thịnh trong một tương lai không xa”.