Cuối tuần trước, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết đã bổ sung tab Friends cho Facebook, khu vực chỉ hiển thị nội dung từ bạn bè, yếu tố giúp mạng xã hội này hấp dẫn khi ra đời. Ông nhấn mạnh đây là một trong những bước đầu tiên để đưa các tính năng Facebook cũ, gọi là "OG Facebook", trở lại.
Trong hai thập kỷ, Facebook có khoảng 10 lần thay đổi giao diện trang chủ.

Giao diện website đầu tiên được Mark Zuckerberg ra mắt với tên gọi Thefacebook, chỉ gồm các tính năng đơn giản như đăng ký, đăng nhập và thông tin thêm. Ban đầu, website giới hạn cho sinh viên Đại học Harvard, nơi ông theo học. Ông sau đó bỏ học, cùng một số người bạn phát triển mạng xã hội. Ảnh: Archive

Đến năm 2006, Thefacebook được rút ngắn còn Facebook, đồng thời giao diện trang chủ sơ khai hiển thị nội dung từ bạn bè ra đời. Mạng xã hội thêm hàng loạt tính năng như trang cá nhân, nhóm, bạn bè, tin nhắn...
Nhân viên Facebook được cho là đã mong đợi tính năng này sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng thực tế lúc đầu, nhiều người ghét nó, thậm chí có ý định tẩy chay website. Sự tức giận khiến Zuckerberg phải viết một bài viết dài để giải thích. "Chúng tôi nghĩ đây là sản phẩm tuyệt vời, nhưng nhiều trong số các bạn chưa ủng hộ lập tức vì thấy chúng quá lộn xộn", ông viết. "Chúng tôi lắng nghe tất cả đề xuất để cải thiện sản phẩm. Mọi thứ hoàn toàn mới và vẫn trong giai đoạn phát triển".

Đến 2009, giao diện thêm tính năng cập nhật thời gian thực để đáp lại tính năng tương tự của Twitter - mạng xã hội ra đời năm 2006, được Elon Musk mua lại và đổi tên thành X. Trước đó, người dùng buộc phải tải lại (refresh) trình duyệt mới có thể xem tin tức mới từ bạn bè.

Tính năng Ticker xuất hiện năm 2011, nằm ở bên phải giao diện, cho phép người dùng cập nhật tức thời về bài đăng, lượt thích, chia sẻ, bình luận, lượt check-in của bạn bè "không độ trễ". Dù vậy, nhiều năm sau đó, Facebook loại bỏ tính năng này.

Năm 2013, với mục tiêu "mang đến cho mọi người tờ báo được cá nhân hóa tốt nhất thế giới", giao diện Facebook tiếp tục biến đổi, các bài viết được sắp xếp theo chủ đề như tin tức, âm nhạc, ảnh, video và sự kiện. Ảnh và video cũng hiển thị với kích thước lớn hơn và xuất hiện thường xuyên hơn.

Ba năm sau, mạng xã hội đưa vào hệ thống reaction mới bên cạnh nút "Thích", gồm "Yêu", "Cười", "Sốc" và "Tức giận". Nút "Thương thương" cũng được bổ sung sau đó.
Đến 2018, Facebook được sắp xếp lại với trọng tâm là kết nối bạn bè. "Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ cộng đồng, rằng nội dung công khai như bài đăng từ doanh nghiệp và phương tiện truyền thông đang lấn át khoảnh khắc cá nhân. Chúng tôi đã thay đổi để tạo tương tác xã hội có ý nghĩa hơn", Zuckerberg viết trên blog khi đó.

Năm 2021, Facebook lần đầu phân loại và hiển thị theo dạng tab để "thanh lọc nguồn dữ liệu cung cấp". Ban đầu, có ba tab gồm Trang chủ, Yêu thích và Truy cập gần đây. Menu cho phép người dùng lựa chọn các nội dung dễ dàng hơn. Thời gian sau đó, giao diện liên tục biến đổi. Cùng năm, Facebook đổi tên thành Meta.

Năm 2022, Facebook bỏ cách gọi "News Feed" cho giao diện chính, thay bằng "Feeds". Dù không thay đổi lớn về mặt thẩm mỹ, nó được đánh giá thể hiện sự điều chỉnh trong cách Facebook muốn người dùng xem thông tin trên mạng xã hội.
Cập nhật mới nhất là ngày 27/3, khi Facebook bổ sung tab Friends chỉ hiển thị nội dung từ bạn bè. Thay vì "nội dung được đề xuất" như hiện tại. Trước đó, Zuckerberg nhiều lần ám chỉ việc đưa Facebook trở lại như trước. "Tôi rất hào hứng khi quay lại với Facebook OG", ông nói trong báo cáo tài chính của Meta quý IV/2024 vào tháng 1. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ xây dựng một số tính năng tuyệt vời giúp định hình tương lai của kết nối con người". Video: Meta
Bảo Lâm (Ảnh: Facebook)
- Facebook thêm lựa chọn 'quay về nguyên bản'
- Facebook sắp xóa video phát trực tiếp cũ tại Việt Nam
- Lời kêu gọi tẩy chay Facebook, Instagram 'không nhiều tác dụng'
- Mark Zuckerberg giảm kiểm duyệt Facebook, Instagram