Thống kê của sàn địa ốc ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, tại TP HCM tổng số giao dịch thành công trong tháng 6 đã nhích dần lên 16 sản phẩm, tăng 4 đơn vị so với tháng 5. Trong đó, số sản phẩm dự án được giao dịch thành công là 5 (tháng 4 và 5 không có giao dịch này), nhà cá thể được mua bán thành công qua sàn rơi vào các căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng.
Trong 3 tháng ảm đạm vừa qua, thương vụ có giá trị 2,8 tỷ đồng là giao dịch khả quan nhất tại sàn địa ốc này. Con số trên, theo phân tích của đại diện sàn địa ốc ACBR, là dấu hiệu tích cực vì từ khi thị trường rơi vào thế tuột dốc giao dịch chạm ngưỡng 3 tỷ đồng hầu như không có.
Nhiều người ghi chép lại các khung giá nhà đơn lẻ để tiện bàn bạc, tham khảo. Ảnh: Bảo Quân |
Dòng sản phẩm dự án đã có chuyển biến mới. Thức dậy sau 2 tháng im lìm, nhiều dự án bị giảm giá tới 60% đã bắt đầu có giao dịch trên thị trường tự do với mức giá tăng ngược trở lại. Đơn cử, dự án căn hộ New Sai Gon, hồi đầu tháng 6 bị rớt giá trên thị trường tự do còn 17 triệu đồng mỗi m2 nhưng đầu tháng 7 đã nhích lên, chạm ngưỡng 20 triệu đồng.
Dự án Him Lam Nam Khánh đầu tháng 6 bị giảm tới đáy còn 12 triệu đồng mỗi m2, đã bốc hơi 60% so với thời kỳ sốt đất (25-28 triệu đồng) thì nay giật ngược trở lại 14 triệu đồng mỗi m2 và bắt đầu có giao dịch chứ không im hơi lặng tiếng như trước nữa. Những dự án đang tiến đến giai đoạn cuối hoặc đảm bảo tiến độ thi công như Phú Mỹ, Noddle cũng có dấu hiệu khởi sắc.
Thậm chí, có những công trình chỉ vừa xây xong phần móng nhưng giá "mềm", tuy mới công bố bán nhưng đánh đâu thắng đó. Hai dự án mới của Công ty Nam Long là căn hộ E.Home và An Viên có tỷ lệ giao dịch thành công chiếm trung bình trên 80%, con số lý tưởng đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, dự án căn hộ E.Home, quận 9, TP HCM, đã nhận được tiền đặt cọc của 100 khách hàng trên tổng số 120 căn rao bán trong 2 tuần công bố hai block chung cư, tỷ lệ giao dịch đạt trên 83%.
Dự án An Viên tại quận 7 đã tiêu thụ 130 trên tổng số 154 căn chỉ trong vòng một tháng tung sản phẩm, tỷ lệ giao dịch thành công chiếm trên 84%. Giá trung bình của dòng sản phẩm này khoảng 500-700 triệu đồng, căn hộ đắt nhất vào khoảng 1,5-1,7 tỷ đồng.
Tổng giám đốc sàn giao dịch ACBR Phạm Văn Hải nhận định: "Thị trường vẫn chưa sôi động nhưng bắt đầu động thái chuyển mình thức giấc. Nhà dự án đã có giao dịch thành công ở vài nơi chứ không im lìm nữa".
Ông Hải phân tích, hầu hết các sản phẩm được chuyển nhượng hoặc giao dịch trực tiếp đều rơi vào những dự án có tiến độ gần cuối, tốc độ thi công ổn định. Trong tháng 6 vừa qua, tỷ lệ chuyển nhượng dự án bắt đầu lấy lại nhịp độ, đạt tỷ lệ trung bình 10% trong các dịch vụ kèm theo của sàn địa ốc. Riêng căn hộ cá thể chỉ thu hút những khách hàng có nhu cầu mua để ở thực sự dưới 2 tỷ đồng, giá càng "mềm" khách càng chuộng.
"Hiện người mua nhà chủ yếu dùng nguồn tiền nhàn rỗi tích lũy từ nhiều năm hoặc được sự hỗ trợ từ người thân là chính chứ không thể trông cậy vào việc vay ngân hàng do lãi suất quá cao", ông Hải nhận xét.
Lãnh đạo sàn ACBR cũng khẳng định thêm, các dự án và nhà trên giấy không còn chỗ đứng trên thị trường hiện nay. Người môi giới bất động sản vì vậy càng không thể vẽ vời dự án "ma" trước khách hàng. Riêng nhà đầu tư, theo ông Hải, vẫn dè dặt đối với dòng sản phẩm cao cấp vì công cụ tài chính chưa thực sự hỗ trợ thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu, cho rằng, thị trường tuy ảm đạm nhưng chỉ "tối" ở một vài điểm của bức tranh chứ không phải toàn diện. Bởi lẽ, theo chuyên gia này, vẫn còn nhiều phân khúc thị trường đang rất hút khách và giao dịch sôi nổi giữa thời kỳ giá nhà đất biến động mạnh.
Nhiều chuyên gia bất động sản dự báo, cuối năm nay và đầu năm 2009, thị trường địa ốc TP HCM có bình ổn và khởi sắc rõ rệt hay không còn tùy thuộc vào chính sách vĩ mô. Cụ thể là mức lãi suất ngân hàng phải hạ nhiệt dần mới có thể hỗ trợ tích cực người mua nhà.
Thanh Lê