Những ngày lễ Giáng sinh cận kề, Quảng Trị lạnh 13-14 độ C, mưa lâm thâm. Tại giáo xứ Cây Da (xã Hải Phong, huyện Hải Lăng), bà Phan Thị Mai, 55 tuổi, cùng nhiều giáo dân trong xóm qua nhà thờ quét dọn.
Mưa suốt cả tuần, lá cây ướt nhẹp dính vào sân bê tông trước nhà thờ, bà Mai vừa quét, vừa dùng tay nhặt. Một nhóm khác lau rửa bên trong nhà thờ. Vừa làm, các giáo dân vừa nói về việc Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh sẽ đến vùng này làm lễ tối 24/12.
Phía trước sân nhà thờ, hai cây thông Noel và hàng dây điện treo ngôi sao, lồng đèn đã được trang hoàng 10 ngày trước. Một khoảng sông Ô Lâu trước mặt nhà thờ, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế, được ghép bằng thuyền nhôm, kết gỗ làm thành cây cầu dẫn ra sân khấu dựng giữa sông, nơi Đức Tổng Giám mục làm lễ.
Ông Nguyễn Văn Oanh, 60 tuổi, thú thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong, đi ra giữa sân khấu, cẩn thận kiểm tra từng thuyền nhôm vì sợ nước vào ngập thuyền. Thuyền nào đầy nước, ông sẽ găm máy bơm để hút ra. Từ sông Ô Lâu nhìn ra xa, cánh đồng lúa xã Hải Phong vẫn mênh mông nước, có nơi ngập 1,5-2 m.
Trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, mặt sân trước nhà thờ Cây Da ngập một mét, nhiều nhà dân cũng ngập tương tự. Nước lên và xuống bốn lần liên tục, kéo dài một tháng khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Sau lũ, nhà ông Oanh có 4 tạ lúa bị ngâm nước, một phần diện tích ruộng bị bồi lấp đất cát, hiện vẫn chưa thể cải tạo do nước ngoài đồng còn cao.
Chung cảnh lũ lụt, bà Mai sống một mình nên không thể di dời được nhiều vật dụng như tivi, tủ lạnh, đến nay vẫn không thể sửa chữa. "Cái tủ thờ ngâm nước mục nát hết, tôi vừa mua cái mới 2,5 triệu để có nơi thờ tự", bà Mai kể. Nước lũ còn khiến nhà bà bị ướt một tạ lúa, trôi một số gà vịt.
Trải qua cơn lũ lịch sử, ông Oanh, bà Mai vẫn thấy may mắn vì "còn người là còn tất cả". Mùa Giáng sinh về, họ lại bận rộn vệ sinh nhà cửa, đưa những cái lồng đèn cũ còn sử dụng được và mua thêm các ngôi sao trang trí quanh nhà.
Sau khi kiểm tra các thuyền nhôm ở sân khấu làm lễ của giáo xứ đều an toàn, ông Oanh tranh thủ về nhà treo lồng đèn, đấu các dây đèn nháy. Trong khi đó, con trai ông, học đại học ở TP Huế (Thừa Thiên Huế), tận dụng ngày nghỉ cuối tuần về nhà làm hang đá trang trí mừng Giáng sinh. Còn bà Mai không tự treo đèn điện được nên nhờ nam thanh niên hàng xóm làm giúp.
Cách giáo xứ Cây Da 60 km, sáng nay ông Gioan Baotixita Nguyễn An Tế cùng năm thanh niên khác khẩn trương trang hoàng ở giáo xứ Tiên Nộn, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, cùng thuộc Tổng Giáo phận Huế. Giáo xứ gần 130 năm tuổi, nằm ven hạ lưu sông Hương, chỉ vỏn vẹn 160 giáo dân.
Trên con đường bê tông uốn lượn trước nhà xứ, ông Tế hướng dẫn giáo dân làm hai dãy đèn lồng. Gọi là đèn lồng, thực ra là dùng những chiếc rổ nhựa nhỏ, đủ màu sắc, úp hai cái vào một, bên trong gắn thêm một bóng đèn màu. Trong khoảng sân của giáo xứ, một hàng đèn lồng tương tự đã hoàn thành.
"Làm như thế này sẽ tiết kiệm được chi phí. Những chiếc rổ này được tận dụng từ lần trang trí năm ngoái và vẫn có thể dùng cho các năm sau", ông Tế nói. Do ảnh hưởng của bão lũ và dịch bệnh, năm nay giáo xứ Tiên Nộn đã tiết giảm nhiều hạng mục trang trí, không lắp đèn nháy trên tháp chuông cao hơn chục mét; không làm cây thông Noel; gác lại phiên chợ quê.
Theo ông Tế, giáo xứ cũng không tổ chức vui chơi mà tập trung vào chương trình canh thức Giáng sinh. Năm ngoái canh thức có 7-8 tiết mục, kéo dài hơn một tiếng; năm nay chỉ làm 3 tiết mục trong 15 phút vì để giáo dân có thời gian đi làm, học sinh đi học.
Linh mục Gioankim Trần Ngọc Chương cho biết, Giáng sinh năm nay giáo xứ vẫn duy trì việc tặng quà cho trẻ em. Trong đó, trước thánh lễ tối 24/12, giáo xứ sẽ phát 200 suất quà (bánh, kẹo) cho trẻ em lương dân trong vùng để cùng nhau chia sẻ niềm vui Noel. 60 trẻ em công giáo sẽ nhận quà sau thánh lễ.
"Trang trí Giáng sinh là mình lo bề ngoài. Còn với người Công giáo thì cần chuẩn bị một tâm hồn thanh sạch để đón chờ Chúa đến", ông Phaolo Nguyễn An Nhơn, 73 tuổi, nói. Tuần trước, đang bị bệnh, ông vẫn cố gắng chống gậy cùng vợ là bà Agata Lê Thị Hiền, 72 tuổi, đến nhà thờ Tiên Nộn sám hối, xưng tội. Về nhà, ông gọi điện nhắc nhở 8 con "bận làm ăn nhưng nhớ đến nghi thức sám hối".
Ông Nhơn bảo, chưa bao giờ người dân miền Trung oằn mình gánh thiên tai như năm nay. Những ngày lũ từ sông dâng cao, tràn vào sát mép sân, vợ ông không thể đi chợ buôn bán. Nhà hết gạo, con cái đi làm ăn đều ở xa. May mắn là những đoàn cứu trợ của cả Công giáo, Phật giáo và chính quyền địa phương tìm đến, ông bà có gạo và nhu yếu phẩm để dùng qua cơn khốn khó.
"Ân tình mọi người dành cho nhau lúc hoạn nạn, không phân biệt tôn giáo hay thành phần trong xã hội, thật đáng quý. Đó cũng là tinh thần của Giáng sinh", ông Nhơn nói và cho biết năm nay gia đình sẽ cùng nhau cầu nguyện bình an, mưa thuận gió hòa và dịch Covid-19 trên thế giới sớm chấm dứt.
Các đợt mưa lũ liên tiếp tháng 10-11 ở miền Trung đã làm 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái, thiệt hại vật chất 30.000 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là hai địa phương bị thiệt hại nặng.
Hoàng Táo - Nguyễn Đông