Bệnh nhân mất hơn một lít máu trong ca mổ cắt tử cung tại một bệnh viện tư nhân vào nửa tháng trước, thai nhi không giữ được. Sau mổ bệnh nhân rung thất, ngưng tim, bác sĩ nghĩ nhồi máu cơ tim tuy nhiên kết quả chụp mạch vành cho thấy chỉ hẹp rất ít, không phải nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức thì tiếp tục ngưng tim nên bác sĩ báo động đỏ sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 9/6 cho biết hội chẩn qua điện thoại, các bác sĩ xác định bệnh nhân cần can thiệp ECMO (hệ thống oxy màng ngoài cơ thể) nên gấp rút đưa máy móc và ê kíp gồm 4 bác sĩ cùng một kỹ thuật viên đi chi viện.
Bác sĩ Trần Hoàng An, đại diện ê kíp ECMO, cho biết khi ấy bệnh nhân mê sâu, đồng tử giãn, tình trạng nguy kịch. Trong lúc bệnh nhân được nhồi tim, dùng thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp, các bác sĩ thiết lập hệ thống ECMO chỉ trong vòng 10-15 phút, đồng thời hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống khoảng 35 độ để bảo vệ não rồi đưa về Chợ Rẫy điều trị tiếp.
"Bệnh nhân vừa hồi sinh tim phổi, vừa thực hiện ECMO thường có tiên lượng xấu, khả năng hồi phục theo y văn thế giới chỉ khoảng 30%", bác sĩ Huy chia sẻ.
Một ngày sau, bệnh nhân chảy máu ổ bụng, các bác sĩ hội chẩn, mổ khâu cầm máu, lọc máu, phối hợp nhiều biện pháp hồi sức để giành lại sự sống. May mắn, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục, hiện đã rút được nội khí quản, ngưng các phương pháp hỗ trợ, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Huy nhận định đây là trường hợp hồi phục ngoạn mục khi đã bước chân vào cửa tử, là động lực giúp các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa. Trong số hơn 500 ca thực hiện kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ vài trường hợp thực hiện trong lúc nhồi tim, kết hợp hạ thân nhiệt, tỷ lệ thành công chưa đến 30%. Nếu nhồi tim không tốt, dù thực hiện ECMO thành công thì não bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, khó hồi phục.
Ngoài ra, việc chuyển bệnh nhân trên xe cấp cứu cùng với hệ thống ECMO đối diện nhiều rủi ro, bất cứ sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân, hầu như không cứu được. Ê kíp phải chuẩn bị kỹ, lường trước các trục trặc trên xe cấp cứu về điện, hệ thống ống nối mạch máu...
Bệnh nhân cho biết bị hiếm muộn, sinh mổ con đầu lòng mới một tuổi, không nghĩ mình mang thai nên không đi khám. "Khi vào cấp cứu bác sĩ mới báo có thai nhưng không giữ được con, tôi rất sốc và buồn, may mắn có thể hồi phục để về chăm bé lớn", người bệnh chia sẻ.
Nhau cài răng lược là một biến chứng của những thai phụ từng mổ lấy thai, khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Tình trạng này có thể gây băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung nguy hiểm tính mạng người mẹ.
Nhau cài răng lược cũng là một trong những chỉ định cắt tử cung thường gặp nhất, cuộc mổ thường rất khó khăn và nguy hiểm. Hiện nay, những tiến bộ của siêu âm giúp phát hiện nhau cài răng lược rất sớm, thậm chí ở ba tháng đầu của thai kỳ. Khi ấy bác sĩ sẽ theo dõi và có kế hoạch can thiệp phù hợp, giúp thai phụ an toàn trong cả thai kỳ, em bé chào đời thành công.
Lê Phương - Duy Thuy