Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ năm, 2/11/2023, 09:17 (GMT+7)

Giảng viên thiết kế mô hình sân bay 3D

Các giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam mô hình hóa 3D các sân bay và sử dụng các thiết bị thực tế ảo, mô phỏng hoạt động sân bay phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Phòng thực hành E - Lab tại Học viện Hàng không Việt Nam vừa đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Phòng lab sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) phục vụ hoạt động đào tạo cho sinh viên. Theo TS Lưu Văn Thuần, Khoa Kỹ thuật Hàng không, thực tế các sân bay luôn đảm bảo an ninh mức độ cao, nên sinh viên rất khó thực hành trực tiếp. Từ thực tế này, giảng viên trường thực hiện các đề tài nghiên cứu số hóa 3D toàn bộ sân bay bằng phần mềm mô hình hóa hình ảnh máy bay, nhà ga, đường băng, sân đỗ… và sử dụng các thiết bị công nghệ thực tế ảo cho sinh viên thực hành. Sinh viên phải thao tác lái xe kéo đẩy tàu bay, xe chở khách, xe thang… trên mô hình 3D đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn của Cục Hàng không Việt Nam giúp làm quen quy tắc điều khiển, an toàn khi sử dụng các phương tiện.

Sinh viên thực hành lái xe kéo đẩy tàu bay trên mô hình thực tế ảo. Quá trình thao tác sinh viên phải sử dụng vô lăng, cần số lái xe trên hành trình cho sẵn, điều khiển góc quay cho xe chạy đúng đường và duy trì vận tốc phù hợp.

Chân duy trì vận tốc xe kéo máy bay được thiết kế để sinh viên điều khiển xe đến đúng vị trí cho sẵn. Đây là những căn cứ để giáo viên tính điểm thực hành.

Phòng thực hành kiểm soát không lưu tại sân sử dụng ba màn hình chiếu mô hình 3D sân bay Tân Sơn Nhất do các giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam thiết kế. Sinh viên sẽ chia thành hai nhóm là phi công điều khiển máy bay và nhân viên kiểm soát không lưu, giao tiếp với nhau bằng tai nghe để điều phối hoạt động máy bay từ khi rời sân đỗ đến lúc ra đường băng và cất hạ cánh, giúp đảm bảo các yếu tố an toàn bay.

Theo TS Phan Thanh Minh, Trưởng khoa Khai thác Hàng không, các trang thiết bị được một dự án của Pháp tài trợ nhiều năm trước. Tuy nhiên, để phục vụ tốt hơn cho quá trình thực hành, các giảng viên khoa đã mô hình hóa 3D sân bay Tân Sơn Nhất dựa trên các tài liệu bản đồ, hình ảnh thục tế từ sân bay. TS Minh cho biết, việc mô hình hóa sân bay cần đảm bảo hình ảnh giống thực tế nhất nên quá trình cân chỉnh, ghép hình ảnh mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc này đem lại hiệu quả trải nghiệm tốt hơn cho người học. "Sinh viên học đến năm 3 sẽ được thực hành hoạt động kiểm soát không lưu", TS Minh nói.

Phòng lab thiết kế mạch điện chuyên cho các tàu bay. Sinh viên được đào tạo về cách đấu dây, đi dây điện và mô phỏng thiết kế mạch điện phù hợp cho từng dòng tàu bay.

Phòng thực hành động cơ máy bay với động cơ tuabin khí thường sử dụng cho các dòng máy bay hiện nay.

Sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng kiểm soát không lưu tiếp cận.

Máy bay YAK-40 của Nga sản xuất từ thập niên 80 đặt tại trường giúp sinh viên học môn hệ thống điện, hệ thống dẫn đường tàu bay… Đây là mẫu máy bay vận tải cỡ nhỏ, chở tối đa 32 người, trong đó có kíp lái 3 người. Máy bay đạt tốc độ tối đa 550 km mỗi giờ, trọng lượng rỗng 9,4 tấn, trần bay tối đa khoảng 8 km.

.

Sa bàn sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khách tham quan và giảng dạy.

Học viện Hàng không Việt Nam thành lập năm 2006 trên cơ sở trường Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Trường có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và các ngành kinh tế kỹ thuật khác đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Hà An